Phóng viên (PV): Quan tâm nghiên cứu kiến trúc từ những góc nhìn văn hóa, lịch sử, xin ông chia sẻ một số suy nghĩ về cầu Long Biên.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng: Nói đến cầu Long Biên là nói đến Hà Nội. Những người dân Thủ đô thế hệ 4X, 5X… hẳn còn thuộc câu ca dao: “Hà Nội có cầu Long Biên/Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/Tàu xe đi lại thong dong/Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi”. Nói đến cầu Long Biên, các thế hệ người dân Thủ đô hẳn không thể quên được những dấu ấn lịch sử thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ mà cây cầu là một “chứng nhân”, là một biểu tượng kiên cường, bất khuất của Hà Nội. Qua hơn trăm năm, cầu Long Biên đã trở thành di sản văn hóa đô thị rồi, với những giá trị bất biến và được bồi đắp qua thời gian.
PV: Nếu nói đến vấn đề di sản văn hóa, thì có thể thấy rằng, cầu Long Biên vẫn chưa được xếp hạng di tích hoặc có một hình thức ghi nhận nào đó phù hợp?
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng: Đó chính là bất cập trong việc ứng xử với di sản, ứng xử với các công trình có giá trị thời gian, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc. Phải chăng vẫn tồn tại một tư duy cũ, rằng cái gì xếp hạng mới là di sản. Tôi xin nhấn mạnh rằng, những di sản như cầu Long Biên không cần chờ xếp hạng, mà nó đã được xã hội ghi nhận, đã gắn bó với lịch sử đô thị Hà Nội.
PV: Nhưng dường như sự thống nhất trong cách nhìn nhận, đánh giá, hướng đến có ứng xử hợp lý với cầu Long Biên vẫn chưa được rõ ràng. Trong tình hình xuống cấp và cần có những giải pháp khả thi đối với cây cầu hiện nay, ông có gợi mở gì?
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng: Rất mong ngành xây dựng, kiến trúc có ý kiến cho vấn đề này và ngành văn hóa có sự mở rộng hơn về tư duy. Trong Luật Kiến trúc có đề cao việc phát hiện, tôn vinh những công trình có giá trị được xây dựng trong thời kỳ mới. Cần nhìn nhận đầy đủ hơn về các di sản xây dựng, kiến trúc, di sản công nghiệp có giá trị, ra đời trong thời kỳ phát triển đô thị Hà Nội hàng trăm năm qua. Đặc biệt là với các nhà quản lý, hãy có tâm hơn với di sản. Nên nhớ rằng, làm nên cây cầu này khi xưa, cùng với người Pháp, là rất đông những người thợ Việt Nam. Và sự hình thành, hưng thịnh của phố Lò Rèn trong khu phố cổ Hà Nội từng gắn với việc sản xuất các loại đinh ốc, đồ sắt nhỏ phục vụ việc làm đường sắt qua cầu Long Biên.
PV: Ông mong ước gì cho hình ảnh tương lai của cầu Long Biên?
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng: Cầu Long Biên đã hoàn thành xong sứ mệnh của một công trình giao thông, hãy nhìn sâu hơn vào giá trị văn hóa cầu đường của nó. Rộng hơn là giá trị văn hóa, biểu tượng đối với lịch sử, con người Hà Nội. Hãy để cây cầu trở thành cây cầu đi bộ, thành không gian bảo tồn cảnh quan gắn với quy hoạch hai bên sông Hồng mà thành phố Hà Nội đã phê duyệt. Hay biến cầu Long Biên thành điểm đến du lịch, đặc biệt, thành cây cầu sáng tạo cho các nghệ nhân, kiến trúc sư, nghệ sĩ và là nơi hưởng thụ văn hóa của người dân, để cây cầu tham gia vào hành trình sáng tạo công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên số.
PV: Xin cảm ơn ông!
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng: Từng có đề xuất dựng lại các nhịp cầu đã bị gãy đổ do bom Mỹ phá hoại. Tôi cho rằng không nên. Hãy để cây cầu giữ lấy chứng tích đó về lịch sử chiến đấu của Hà Nội và cả nước. Việc cần làm ngay với cây cầu là sửa chữa, gia cố để cầu được vững chắc, cũng như không nên để cầu phải gánh thêm sức nặng của các phương tiện và lưu lượng giao thông như hiện nay.