Số liệu thống kê của Hiệp hội Công nghiệp ô-tô Trung Quốc cho thấy, thị trường ô-tô năng lượng mới của nước này đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ trong năm 2022, với tổng sản lượng và doanh số tiêu thụ lần lượt đạt 7,058 triệu chiếc và 6,887 triệu chiếc, tăng tới 96,9% và 93,4% so năm 2021, liên tiếp 8 năm duy trì vị thế số một thế giới.
Với quy mô gần 7 triệu xe được bán ra trong cả năm 2022, Trung Quốc đang sở hữu thị trường tiêu thụ ô-tô thân thiện môi trường hàng đầu thế giới, chiếm tới 25,6% thị phần toàn cầu, cao hơn 12,1 điểm phần trăm so năm 2021. Trong đó, xe chạy hoàn toàn bằng điện (BEV) đã tiêu thụ 5,365 triệu chiếc, tăng 81,6% so cùng kỳ; xe hybrid cắm điện (PHEV) tiêu thụ 1,518 triệu chiếc, tăng 2,5 lần so cùng kỳ.
Cùng với sự tăng trưởng về sản lượng và doanh số tiêu thụ, khả năng cạnh tranh của các thương hiệu ô-tô năng lượng mới của Trung Quốc cũng tăng lên đáng kể. Thống kê cho thấy, 79,9% trong số xe tiêu thụ tại thị trường trong nước năm 2022 là các thương hiệu do doanh nghiệp Trung Quốc phát triển, tăng 5,4% so năm 2021.
Trung Quốc đã xuất khẩu ra thế giới 679.000 chiếc xe năng lượng mới, tăng 2,2 lần so năm 2021. Trong số 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới về quy mô tiêu thụ ô-tô năng lượng mới, Trung Quốc có 3 doanh nghiệp. Nước này cũng có tới 6 doanh nghiệp nằm trong top 10 doanh nghiệp có công suất lắp đạt pin điện lớn nhất thế giới.
Đến nay, sau nhiều năm đẩy mạnh phát triển thị trường ô-tô năng lượng mới, Trung Quốc đang sở hữu 13,1 triệu chiếc được đưa vào sử dụng, chiếm 4,1% tổng lượng ô-tô ở nước này. Riêng năm 2022, có 5,35 triệu xe đăng ký mới, chiến 23,05% tổng lượng xe đăng ký mới.
Đầu tư mạnh vào hạ tầng
Để có được sự tăng trưởng ngoạn mục và thị phần lớn trên thế giới, ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích người tiêu dùng, Trung Quốc còn đẩy mạnh đầu tư vào xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ ô-tô năng lượng mới.
Một trạm sạc cho ô-tô năng lượng mới ở thành phố Trùng Khánh. (Ảnh: People.com.cn) |
Thông tin từ Cục Năng lượng nhà nước Trung Quốc cho biết, năm 2022, nước này đang sở hữu hệ thống hạ tầng phục vụ ô-tô năng lượng mới với 5,2 triệu trụ sạc điện, tăng gần 100% so cùng kỳ. Trong đó, trụ sạc điện công cộng đã tăng 650.000 chiếc trong năm 2022, đưa tổng số trụ sạc điện công cộng hiện có lên 1,8 triệu chiếc; trụ sạc điện do đơn vị tư nhân xây dựng tăng thêm khoảng 1,9 triệu chiếc, đưa tổng số trụ sạc điện tư nhân tăng lên hơn 3,4 triệu chiếc.
Theo ông Lương Xương Tân, đại diện Cục Năng lượng nhà nước Trung Quốc, hạ tầng sạc điện là yếu tố bảo đảm quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô-tô năng lượng mới, có ý nghĩa quan trọng đối với việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, carbon thấp trong lĩnh vực giao thông ở Trung Quốc.
Những năm gần đây, hạ tầng sạc điện phục vụ ô-tô năng lượng mới ở Trung Quốc phát triển nhanh, hình thành mạng lưới với số lượng nhiều nhất, phân bố rộng nhất trên thế giới.
Những năm gần đây, hạ tầng sạc điện phục vụ ô-tô năng lượng mới ở Trung Quốc phát triển nhanh, hình thành mạng lưới với số lượng nhiều nhất, phân bố rộng nhất trên thế giới.
Đáng chú ý, thị trường hạ tầng sạc điện phát triển rất đa dạng, với hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực vận hành các loại trụ sạc điện. Riêng năm 2022, tổng lượng điện sạc cho ô-tô năng lượng mới trên cả nước vượt quá 40 tỷ kWh, tăng trên 85% so năm 2021.
Ông Lương Xương Tân cho biết, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan sạc điện ngày càng hoàn thiện bởi Trung Quốc đã thành lập một ủy ban tiêu chuẩn kỹ thuật hạ tầng sạc điện, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn tương ứng với quyền sở hữu trí tuệ độc lập của Trung Quốc, góp phần hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng, phát triển và vận hành hạ tầng sạc điện.
Thời gian tới, để khắc phục các bài toán lớn như hạ tầng sạc điện phân bố chưa hợp lý, một số khu dân cư khó xây dựng trụ sạc, việc bảo dưỡng trụ sạc chưa đồng bộ..., cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển ngành hạ tầng sạc điện, tối ưu hóa quy hoạch, bố cục mạng lưới sạc điện, xây dựng hệ thống giám sát, quản lý, nâng cao chất lượng phát triển và tiêu chuẩn xây dựng, vận hành liên quan hạ tầng phục vụ ô-tô năng lượng mới.
Xu thế mới của cuộc cách mạng ô-tô
Đại diện Bộ Công nghiệp và Thông tin hóa Trung Quốc cho biết, ngành ô-tô năng lượng mới ở nước này đã bước vào giai đoạn mở rộng thị trường toàn diện, dự kiến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh trong năm 2023.
Chung quanh một số lo lắng về cuộc "khủng hoảng thừa" có thể xảy ra đối với ngành ô-tô năng lượng mới, ông Miêu Vu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thuộc Chính Hiệp Trung Quốc cho rằng, ô-tô năng lượng mới khó có thể đối mặt vấn đề khủng hoảng thừa trong giai đoạn hiện nay. Bởi bài toán năng lực sản xuất được xem xét theo chu kỳ, tính đến sự phát triển của tương lai, nếu không chuẩn bị trước, thậm chí sẽ gặp tình trạng "cung không đủ cầu".
Theo vị chuyên gia này, giữa ô-tô năng lượng mới và ô-tô sử dụng nhiên liệu có mối quan hệ thay thế lẫn nhau, điều cần kiểm soát hiện nay có lẽ chính là vấn đề dư thừa công suất ô-tô sử dụng nhiên liệu. Dự báo, ô-tô năng lượng mới sẽ thâm nhập 30% thị phần ô-tô ở Trung Quốc, sản lượng có thể đạt 9 đến 10 triệu chiếc trong năm nay.
Nếu như chuyển đổi sang sử dụng điện là nửa đầu của cuộc "cách mạng" ngành ô-tô, thì nửa sau sẽ là các xu thế kết nối và thông minh.
Ông Trần Thanh Thái, Chủ tịch Hiệp hội ô-tô điện Trung Quốc
Nhận định về xu hướng phát triển tương lai, ông Trần Thanh Thái, Chủ tịch Hiệp hội ô-tô điện Trung Quốc cho rằng, nếu như chuyển đổi sang sử dụng điện là nửa đầu của cuộc "cách mạng" ngành ô-tô, thì nửa sau sẽ là các xu thế kết nối và thông minh. Xe năng lượng mới cần phải tích hợp và kết nối với các hệ thống, nền tảng giao thông thông minh, đô thị thông minh.
Theo đó, trong tương lai, xe năng lượng mới, sẽ là đơn vị lưu trữ và tiêu thụ năng lượng xanh cơ bản, cũng là đơn vị cơ bản của giao thông thông minh và đô thị thông minh. Đây là mấu chốt để gắn kết thông tin di động thế hệ mới vào giải quyết bài toán đi lại, hay các nút thắt trong môi trường năng lượng, giao thông đô thị vốn là vấn đề nhức nhối lâu nay.
Ông Trần Thanh Thái nhận định, ngành ô-tô năng lượng sẽ thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ cao, với nhiều phần mềm phục vụ đa dạng, để hiện thực hóa sự chuyển đổi từ một sản phẩm cơ khí đơn thuần sang một loại sản phẩm điện, điện tử, kết nối mạng và số hóa. Đây là mấu chốt quyết định sự cạnh tranh của ngành ô-tô trong thời gian tới.