Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, hiện nay một số huyện thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai tỷ lệ tiêm vaccine Td mũi 1 và mũi 2 vẫn còn thấp, dưới 90%, chưa đạt yêu cầu trên tổng số đối tượng cần được tiêm vaccine. Trong khi đó, vaccine Td được Chính phủ cấp riêng cho các tỉnh Tây Nguyên để phòng bệnh bạch hầu, việc thực hiện thuộc trách nhiệm của các địa phương.
Vì vậy, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khẩn trương thực hiện tiêm vaccine Td trong tháng 1 và 2/2023.
Cụ thể, chỉ đạo các địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 1 và 2 dưới 90% tích cực rà soát các đối tượng chưa được tiêm và tiêm chưa đủ mũi vaccine Td để tiến hành tiêm vét, tiêm bổ sung, bảo đảm các đơn vị tuyến huyện trước tháng 3/2023 phải đạt tỷ lệ tiêm 2 mũi trên hoặc bằng 90% cho các đối tượng được tiêm theo Quyết định số 3054/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ Y tế về phê duyệt kế hoạch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.
Các tỉnh xây dựng kế hoạch rà soát đối tượng từ 49 tháng tuổi trở lên chưa được tiêm vaccine Td thì cần tiêm 2 mũi vaccine Td. Các địa phương chịu trách nhiệm về việc để hết hạn vaccine Td, hạn sử dụng ngày 3/3/2023.
Trong năm 2020, trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum ghi nhận hàng chục ca mắc bệnh bạch hầu. Ngày 15/7/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3054/QĐ-BYT về phê duyệt kế hoạch và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh bạch hầu với quy mô lớn tại 4 địa phương này nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan và tạo tiền đề vững chắc phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay một số huyện thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai tỷ lệ tiêm vaccine Td mũi 1 và 2 vẫn còn thấp, dưới 90% chưa đạt yêu cầu trên tổng số đối tượng cần được tiêm vaccine nên cần tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu ở các huyện này.