Giữ gìn truyền thống Tết trong gia đình người Việt ở Thái Lan

NDO - Đã sinh sống ở Thái Lan từ hơn 10 năm qua, hằng năm chị Vinh (quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh), vẫn cần mẫn duy trì phong tục đón Tết cổ truyền Việt Nam trong gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình chị Vinh cùng chắp tay trước mâm cỗ, cầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Gia đình chị Vinh cùng chắp tay trước mâm cỗ, cầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng.

Đối với gia đình chị, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp để gia đình tụ họp, chào đón năm mới mà còn là sợi dây kết nối với cội nguồn, giúp con cháu ghi nhớ những truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Từ khi đi du học, làm việc rồi lập gia đình, đến nay chị Nguyễn Thị Vinh (tên Thái là Phanthira), ở quận Min Buri (Bangkok), đã sinh sống ở Thái Lan được hơn 10 năm.

Chồng chị là anh Weerachai Thongbo (tên thường gọi là Tôn), một chàng trai hiền lành đến từ vùng Issan (Đông Bắc Thái Lan). Từ khi trở thành rể Việt, được thưởng thức các món ăn do vợ nấu, anh Tôn rất yêu thích các món ăn Việt và học cách nấu các món ăn từ quê vợ.

Chị Vinh cho biết: “Giờ chồng em có thể nấu được rất nhiều món ăn Việt như phở, cá kho, thịt kho kiểu Việt canh khoai tây… Lâu rồi trong nhà em anh ấy phụ trách việc nấu nướng là chính”.

Giữ gìn truyền thống Tết trong gia đình người Việt ở Thái Lan ảnh 1

Chị Vinh và chồng nấu nướng chuẩn bị cho mâm cỗ Tất niên.

Đáng chú ý, mỗi khi Tết đến, anh Tôn lại càng háo hức vào bếp để phụ vợ cho ra đời các món ăn truyền thống Việt Nam để sau đó gia đình nhỏ cùng có phút giây quây quần bên nhau và thưởng thức hương vị Tết Việt Nam.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Vinh vào buổi chiều ngày 29 Tết. Khi chúng tôi đến cửa thì cũng vừa gặp chị đánh xe về. Chị cho biết do hiện đang làm việc cho một công ty của Thái Lan nên những ngày này chị vẫn phải làm việc bình thường. Công việc tại công ty thì bận từ sáng đến tối, hôm nào cũng 8, 9 giờ tối mới được về nên chị chẳng có thời gian đi sắm đồ Tết.

Chị nói: “Hôm nay em phải xin nghỉ làm sớm để còn tranh thủ chạy qua chợ mua hoa quả, đồ lễ để làm mâm cỗ tất niên”.

Khu chợ nơi chị Vinh dẫn chúng tôi đến sắm Tết cũng không khác gì một chợ dân sinh điển hình ở Hà Nội, không lớn nhưng đầy đủ mặt hàng. Do người Thái Lan không ăn Tết Nguyên đán nên không khí ở chợ dù nhộn nhịp nhưng cũng chẳng có gì khác so với ngày thường. Rất may ở chợ cũng có một số cửa hàng có bán thêm đồ Tết để phục vụ cộng đồng người Thái gốc Hoa và gốc Việt.

Tại cửa hàng bán hoa quả, chị Vinh lựa một quả dưa hấu lớn vỏ xanh đậm, một trái bưởi to bọc trong vải điều đỏ, cùng táo, chùm nho, cam quýt. Sau đó chị lại hối hả đến cửa hàng bán vàng mã, sắm đủ lễ cho buổi cúng tất niên và giao thừa chào năm mới.

“Túi này là để cúng Thần tài, còn túi này để cúng giao thừa”, cô nói và tiếp tục chọn thêm hương, nến, cùng tập phong bao lì xì được bày ngay phía mặt ngoài cửa hàng cùng đèn lồng đỏ.

Đến cửa hàng hoa, chị Vinh chọn mấy bó hoa cúc vàng và sa-lem tím và chia sẻ: “Em thấy hoa gì đẹp thì mua thôi chứ không cầu kỳ. Thái Lan không có hoa đào hay mai như bên mình nên em cũng trước mua một bó cành tầm xuân cắm ở nhà cho có chút không khí Tết”.

Giữ gìn truyền thống Tết trong gia đình người Việt ở Thái Lan ảnh 2

Chị Vinh tranh thủ đi sắm Tết sau giờ làm.

Sau hơn 2 giờ đi chợ, chị Vinh đã chất đầy xe ô-tô của cô nào hoa quả, đồ lễ hương nến và cả thực phẩm để chuẩn bị cho buổi lễ tất niên và lễ giao thừa. Còn bánh chưng và giò thì chị đã đặt mua của các nhà hàng Việt từ mấy ngày trước.

Buổi sáng 30 Tết, cả nhà chị Vinh lại dậy sớm để chuẩn bị cho mâm cỗ Tất niên. Mặc dù chỉ có hai vợ chồng và hai cô con gái đang học tiểu học, nhưng mâm cỗ nhà chị rất phong phú. Năm nay, mâm cỗ tất niên nhà có đủ cả gà luộc, vịt luộc, cua hấp, tôm chiên, nem rán, bánh chưng.

Giữ gìn truyền thống Tết trong gia đình người Việt ở Thái Lan ảnh 3

Vợ chồng chị Vinh bày biện mâm cỗ tất niên.

Chị cho biết: “Có năm mời bạn đến ăn Tết thì nhà em còn tổ chức gói bánh chưng rất vui. Năm nay do bận việc công ty nên em chỉ có thể đặt bánh chưng, nhưng em cũng gói chả ram (nem-PV) tôm để nhớ hương vị quê hương”. Còn mâm ngũ quả thì có đủ các loại quả quen thuộc như bưởi, táo, nho, dứa, dưa hấu… được chị bày rất khéo léo để dâng cúng Trời đất, tổ tiên.

Khi tất cả đã xong xuôi, cả nhà cùng khoác lên mình bộ trang phục màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và cùng làm lễ thắp hương cúng tất niên. Còn lễ cúng giao thừa luôn được nhà Vinh thực hiện vào thời khắc đất trời chuyển sang năm mới.

Và đến sáng mùng 1, hai cô con gái của chị lễ phép chúc mừng năm mới bố mẹ an khang thịnh vượng và được bố mẹ lì xì một phong bao đỏ để có được may mắn trong cả năm. Sau đó, cả nhà lại cùng nhau đi lễ chùa rồi về nhà đón bạn bè đến nhà chúc Tết.

Dù sống xa Việt Nam đã lâu và giờ đã nhập quốc tịch Thái Lan nhưng Vinh khẳng định với cô Tết luôn là dịp để hướng về nguồn cội, quê hương. Chị tâm sự: “Tết Nguyên đán là dịp để em và gia đình nhớ đến quê hương của mình. Dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu, em cũng không muốn truyền thống cúng Tết của mình bị mai một theo thời gian. Khi làm mâm cỗ Tết, em muốn dạy cho các con của em biết rõ về những phong tục tập quán của người Việt để sau này luôn ghi nhớ và duy trì truyền thống tốt đẹp này của dân tộc”.

Trong khi đó, anh Tôn cũng chia sẻ Thái Lan chỉ có truyền thống cúng Phật vào Năm mới nhưng kể từ khi lấy vợ Việt Nam và được tham gia cúng Tết cùng vợ, anh cảm thấy rất vui thấy truyền thống đón Tết của người Việt Nam rất có ý nghĩa. Anh cũng mong muốn truyền thống cúng Tết Việt của gia đình mình sẽ được các con lưu giữ và tiếp nối khi lớn lên.

Chia tay gia đình chị Vinh, chúng tôi cũng tin rằng, qua những nỗ lực duy trì các phong tục tập quán Việt trong gia đình, thì tình yêu thương gia đình, yêu quê hương nguồn cội của những người con xa xứ như chị Vinh sẽ được các thế hệ sau tiếp nối và gìn giữ.