Ngược dòng thời gian, từ những năm 2016 về trước, hằng năm có gần 20 doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu dược liệu và bình quân mỗi năm có khoảng 10 nghìn tấn dược liệu được thông quan qua cửa khẩu này. Kim ngạch thời kỳ đó đạt khoảng 14 triệu USD/năm, chiếm 27% tổng kim ngạch nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma.
Tuy nhiên, khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, mặt hàng dược liệu phải dừng làm thủ tục nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma, khiến kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu này giảm.
Trước khó khăn này, tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho phép thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam)-Ái Điểm (Trung Quốc).
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 111/NQ-CP về thực hiện Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện liên quan đã phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành các kế hoạch, quyết định triển khai.
Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban quản lý đã tập trung tuyên truyền chủ trương thí điểm nhập khẩu mặt hàng dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma đến các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc, nhất là các doanh nghiệp đã từng xuất, nhập khẩu dược liệu qua địa bàn tỉnh; thường xuyên trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để cùng phối hợp thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu song phương Chi Ma, trong đó có mặt hàng dược liệu. Mặc dù vậy, từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay, vẫn chưa phát sinh hoạt động nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma.
Năm 2021 và đầu năm 2022, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn diễn biến phức tạp; đặc biệt, Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt chính sách “Zero Covid”, đưa ra các yêu cầu rất cao đối với công tác phòng, chống dịch trong hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Theo Phó Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn Vi Công Tường, do Trung Quốc siết chặt công tác kiểm soát dịch Covid-19 cho nên các doanh nghiệp chuyển đăng ký làm thủ tục qua cửa khẩu tuyến đường biển hoặc một số cửa khẩu ở địa bàn khác.
Tại Lạng Sơn, thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh dược liệu nhập khẩu đã cơ bản chuyển sang thực hiện tại các cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và ga liên vận đường sắt quốc tế Đồng Đăng, nhưng số lượng cũng rất ít. Cụ thể từ đầu năm 2022 đến nay, hai cửa khẩu này mới nhập được hơn 6.160 tấn dược liệu, trị giá 42.644 USD...
Bên cạnh đó, hiện tại khu vực cửa khẩu Chi Ma cũng chưa có kho chuyên dụng để bảo quản mặt hàng dược liệu theo quy định, do chi phí đầu tư lớn, yêu cầu về máy móc, kỹ thuật, hiệu quả kinh doanh chưa đánh giá được ngay, do đó các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu chưa thật sự quan tâm việc nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu này.
Cùng với những khó khăn nêu trên hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu song phương Chi Ma vẫn chủ yếu theo phương thức mậu dịch cặp chợ nên hiệu suất thông quan vẫn hạn chế, chủng loại các mặt hàng xuất, nhập khẩu chưa được mở rộng, gây ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu dược liệu.
Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, giấy phép nhập khẩu dược liệu do Cục quản lý Y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cấp là bản giấy, trong khi đó doanh nghiệp đề xuất được cấp bản điện tử để phục vụ cho việc nhập khẩu dược liệu được dễ dàng hơn.
Mặt khác hiện nay, phía Trung Quốc đã bỏ không cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc, cho nên các doanh nghiệp cũng đang đề nghị Bộ Y tế xem xét sửa đổi các văn bản liên quan đến nội dung này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đối tác nhập khẩu dược liệu...
Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn đã tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu dược liệu qua địa bàn tỉnh. Tại buổi gặp mặt, các cơ quan chức năng của tỉnh đã giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến cơ chế, chính sách trong hoạt động xuất, nhập khẩu dược liệu, cũng như những vướng mắc của doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất, nhập khẩu dược liệu.
Chủ trương của tỉnh Lạng Sơn là luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu dược liệu qua các cửa khẩu của tỉnh, nhất là qua cửa khẩu song phương Chi Ma.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà yêu cầu các lực lượng liên quan của tỉnh cần thống nhất đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Tập trung thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma, trong đó, tăng cường trao đổi, hội đàm và gửi thư công tác đến các cơ quan quản lý cửa khẩu của Trung Quốc; triển khai các giải pháp để thu hút các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu dược liệu; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kho bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn bảo quản dược liệu tại cửa khẩu Chi Ma.
Mặt khác sớm thống nhất, ký kết với phía Trung Quốc tăng cường việc trao đổi, thống nhất các nội dung quản lý cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu nói chung và mặt hàng dược liệu nói riêng...
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu song phương Chi Ma. |