Chị H.N.K. (45 tuổi), được quảng cáo sản phẩm mặt nạ thoa có tác dụng “xóa thâm nám, tái tạo, trẻ hóa da” nên mua. Theo hướng dẫn, lần đầu thoa chị lưu kem trên da 1 đêm. Thấy da bong tróc vài ngày rồi nám mờ hơn, da mềm mịn, sáng màu bật tông đúng như quảng cáo, chị K. bôi với lượng nhiều hơn ở các lần sau, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
Sau 3 lần bôi, da mặt chị nổi mẩn đỏ li ti, sau đó nóng rát và đỏ hết mặt. Chị dùng đắp mặt nạ, chườm đá làm mát nhưng mặt tiếp tục sưng phù nên đến Đơn vị Da liễu-Thẩm mỹ da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, thuộc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh khám.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Da liễu-Thẩm mỹ da chẩn đoán chị K. bị bỏng da do peel da sâu quá liều và để hóa chất trên da quá lâu (thông thường 1-5 phút) và tần suất thực hiện peel da quá nhanh (khoảng cách thực hiện giữa 2 lần peel da là 1 tháng để da có thể tái tạo và hồi phục), chị K đã thực hiện peel da hằng tuần nên da không kịp hồi phục sau những lần peel trước. Sau khi được bôi thuốc làm dịu da, chị cảm thấy nóng rát giảm hẳn. Hết 5 ngày dùng thuốc cùng kháng viêm, mặt chị hết sưng, da gần trở lại bình thường.
Chị H.K.L. (22 tuổi) có da mụn, nám, không đều màu. Sau tìm hiểu trên mạng, chị đến 1 thẩm mỹ viện ở TP Hồ Chí Minh và được tư vấn liệu trình peel da xóa nám, da mịn màng, đều màu trong 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần. 2 lần đầu, da mặt chị xuất hiện đốm đỏ, đau rát nhưng được người của thẩm mỹ viện giải thích “da càng bong tróc càng đẹp”. Sau vài ngày, tổn thương, bỏng rát lan khắp mặt, da mưng mủ, bong tróc nên chị đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh khám.
Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm da kích ứng, nhiễm trùng, biến chứng tăng sắc tố sau viêm, nguy cơ bị thâm và sẹo lõm vì lột da quá sâu bằng các hóa chất lột tẩy mạnh và peel khoảng cách quá gần không đủ thời gian cho da phục hồi và tái tạo. Hiện chị L. được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm để kiểm soát nhiễm trùng. Khi tình trạng nhiễm trùng ổn định, người bệnh cần can thiệp thêm để giải quyết tình trạng tăng sắc tố sau viêm, sẹo lõm.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Da liễu-Thẩm mỹ da tư vấn cho khách hàng. |
Đây là hai trong hàng chục trường hợp tới điều trị do bị tai biến do tự peel da, lột da làm đẹp tại nhà hoặc cơ sở thẩm mỹ.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích cho biết, gần đây, mạng xã hội xuất hiện một số hình ảnh, thông tin quảng cáo trị nám hiệu quả cao, như “đắp mặt nạ phân hủy nám, nhả nắng sáng da”. Nhiều người bệnh đến viện khám trong tình trạng biến chứng làn da nặng nề.
Điểm chung của người bệnh là sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần. Thực tế, nhiều sản phẩm được đặt tên rất hoành tráng như “mặt nạ tái sinh da nám” “phân hủy nám”, “kem tái sinh làn da”… nhưng thực chất có chứa các chất cấm hoặc các chất có nồng độ vượt mức cho phép sử dụng trong mỹ phẩm như thuỷ ngân, corticoid, hydroquinone, axit nồng độ cao.
Các thành phần này có tính tẩy da mạnh, khiến sạm nám bay nhanh, da trắng đều màu trong thời gian ngắn nhưng gây nhiều phản ứng phụ nguy hiểm như teo da, mỏng da, giãn mạch, da nhạy cảm với ánh sáng hơn (dễ bắt nắng).
Theo bác sĩ Bích, đắp mặt nạ phân hủy nám thực chất là peel da sâu bằng hóa chất, gây ăn mòn da. Nếu thực hiện không đúng phương pháp sẽ gây bỏng da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm nấm, để lại sẹo xấu, tăng sắc tố nặng hơn, thậm chí rối loạn nhịp tim.
Với tình trạng tăng sắc tố da như sạm nám, tàn nhang thì peel da (tái tạo da bằng hóa chất) là một trong các phương pháp điều trị phổ biến. Peel da là phương pháp sử dụng hóa chất, thường là axit để phá hủy tế bào ngoài cùng của da và lớp này được tái tạo tự nhiên. Những hoạt chất thường được dùng để peel da gồm salicylic axit (BHA), glycolic axit (AHA), trichloroacetic axit (TCA), retinol…
Có 3 mức độ peel da là nông, trung bình và sâu. Tùy theo mục đích điều trị, tình trạng da của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định loại hóa chất, nồng độ và thời gian lưu trên da phù hợp kèm những hóa chất trung hòa và phục hồi da sau peel.
Peel da nông và trung bình có thời gian điều trị ngắn, thời gian phục hồi nhanh, không gây đau, chi phí thấp, giúp da tươi sáng. Tuy nhiên, không phải da nào cũng có thể peel.
"Trường hợp ở trên, có khả năng người bệnh được peel da mức độ sâu, gây tổn thương cháy đen lớp thượng bì. Peel da sâu liên quan đến việc dùng axit nồng độ cao để tạo vết thương có kiểm soát trên da ở lớp hạ bì lưới. Axit có tác dụng làm đông đặc và bong sừng, bong 1 phần lớp màng đáy của da", bác sĩ Bích cho hay.
Do đó, bác sĩ Bích nhấn mạnh, phương pháp peel da bản thân đã có nguy cơ cao gây biến chứng, khi thực hiện tại nhà hoặc các thẩm mỹ viện không uy tín, mối nguy cơ này sẽ tăng gấp nhiều lần. Ví dụ, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, thành phần hoạt chất, nồng độ, lưu hóa chất quá lâu trên da; không trung hòa axit kịp thời… khiến axit mài mòn da quá mức gây tổn thương sâu, bỏng da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm nấm, để lại sẹo xấu, tăng sắc tố nặng hơn hủy mô dưới da, thậm chí có thể gây sốc do đau, do bỏng hóa chất, gây rối loạn huyết động học. Tỷ lệ rối loạn nhịp tim khi peel da bằng axit khoảng 6,6%.
Trong điều trị sạm nám, peel da không phải là phương pháp điều trị duy nhất. Ngoài ra còn có laser pico, tiêm meso (tiêm vi điểm), điện di, vi kim RF… mang lại hiệu quả điều trị cao. Một số trường hợp cần phối hợp nhiều phương pháp mới xóa sạch nám.
Bác sĩ Bích khuyến cáo người có vấn đề về da nên tới cơ sở y tế để được bác sĩ da liễu, thẩm mỹ da soi da, khám, chẩn đoán và tư vấn liệu trình điều trị phù hợp.