Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 23; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chủ trì hội nghị.
Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội trên phạm vi cả nước; đồng thời, kết hợp tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 23 với quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các khóa VI, VII, VIII, IX.
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ động phối hợp các cơ quan tuyên truyền, báo chí của Đảng, Nhà nước và các tổ chức thành viên của Mặt trận để phổ biến rõ mục tiêu, quan điểm, những chủ trương và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 23-NQ/TW.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy truyền thống yêu nước, lấy mục tiêu xây dựng, bảo vệ đất nước làm động lực và sự tương đồng để tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều hình thức tập hợp nhân dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong bức tranh chung về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thấy nổi lên rõ hình ảnh, vai trò của các giai cấp, tầng lớp xã hội.
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, trong 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bám sát mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các địa phương để tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Đây là một hình thức tập hợp nhân dân rộng rãi, phong phú, sinh động huy động được đông đảo nhân dân tham gia; góp phần tích cực vào việc tập hợp, đoàn kết nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Cùng với đó, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động phối hợp các ban, bộ, ngành và cơ quan liên quan tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản quan trọng, tạo cơ sở chính trị, pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp thực hiện đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì và tham gia cùng các cơ quan, tổ chức giám sát nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức phản biện nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, dự án quan trọng, có tác động lớn. Kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội từng bước đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền lắng nghe, tiếp thu và thực hiện, mang lại những kết quả hết sức thiết thực trong công tác xây dựng Đảng, hoạt động của Chính quyền các cấp.
Thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội, các kênh tiếp xúc, đối thoại, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã truyền tải tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, Nhà nước; kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân trên đa dạng các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Tại buổi làm việc, đại diện các đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết số 23.
Trong đó, phải coi xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là lực lượng nòng cốt tổ chức thực hiện nhằm tạo ra nguồn sức mạnh, động lực và nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội cần luôn chủ động nắm vững mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài để nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách mới về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Các ý kiến cho rằng, để thực hiện vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội phải thật sự là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phải luôn hướng về cơ sở để nắm vững tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân nhằm kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cơ quan của Đảng, Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Bên cạnh đó, phải xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hành dân chủ trong xã hội có mối quan hệ hữu cơ. Để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phải hết sức coi trọng việc thực hiện dân chủ, công bằng và bình đẳng xã hội, chống đặc quyền đặc lợi ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, Nghị quyết 23-NQ/TW rất quan trọng, thể hiện chủ trương lớn, nhất quán của Đảng là phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh nội sinh để xây dựng, phát triển đất nước.
Từ khi ra đời, Nghị quyết đã đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, xác định được những định hướng, chủ trương lớn trong xây dựng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với các giai tầng, đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, đối với đồng bào ta ở nước ngoài. Đây là cơ sở để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đổi mới nội dung, phương thức, xác định được hình thức phù hợp để tập hợp, đoàn kết đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW với tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng nỗ lực, luôn đổi mới, khởi xướng nhiều phong trào thiết thực, có ý nghĩa, có sức thu hút và lan tỏa lớn, qua đó khích lệ đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và đối ngoại.
Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, bộ phận rất quan trọng của hệ thống chính trị, đóng góp tích cực vào xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân; bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tạo nên nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, mạnh mẽ, thông qua đó góp phần tạo nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân ta đã đạt được trong quá trình đổi mới. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Đội ngũ cán bộ tự tin, tâm huyết, trách nhiệm hơn với công tác. Những mặt tồn tại đã cơ bản từng bước được khắc phục.
Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý, tình hình mới hiện nay đã đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi trong công tác Mặt trận phải có tầm nhìn, ý tưởng và những nhiệm vụ, giải pháp mới để xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần xác định nội dung của đại đoàn kết trong giai đoạn mới là gì? Có gì khác so trước kia, lấy gì làm trung tâm để kết nối toàn dân tộc? Cách thức cụ thể hóa trong từng giai tầng, đối tượng, tổ chức?...
Từ đó, đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc phải được nâng tầm năng lực, kiến thức, sự am hiểu các vấn đề thực tế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Cán bộ Mặt trận phải là những người dám bày tỏ những tiếng nói từ thực tiễn sinh động để góp phần xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.