Tại Thái Bình, tập đoàn đã triển khai 30 mô hình khảo nghiệm tại 6 huyện: Thái Thuỵ, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà với tổng diện tích khoảng 50ha.
Ngoài ra, tại Viện Nghiên cứu của Tập đoàn còn tổ chức khảo nghiệm hàng trăm dòng, giống để lựa chọn những dòng, giống lúa tốt đưa ra phục vụ sản xuất. Tiêu biểu là các giống lúa: TBR225 mới (có gen kháng bạc lá), TBR97, TBR89, Nếp A Sào, Bắc Thơm 7 mới (có gen kháng bạc lá).
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo cho biết, các giống lúa khảo nghiệm đều thể hiện được các ưu điểm nổi trội. Thí dụ giống BC15 mới (gen kháng đạo ôn) có nhiều đặc điểm sinh học tốt như: thích ứng rộng, ổn định trên nhiều vùng sinh thái và chân đất khác nhau; đặc biệt, chịu chua, trũng và chịu rét khá; khả năng phục hồi mạnh sau thiên tai (rét hoặc lụt).
Giống lúa TBR 97 là giống lúa ngắn ngày, phù hợp trên đồng đất trồng cây vụ đông. |
Nhằm khai thác những đặc tính tốt để đưa giống BC15 trở thành giống chủ lực quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Viện Cây lương thực, Cây thực phẩm và ThaiBinh Seed thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cải tiến giống lúa chất lượng BC15 cho các tỉnh phía bắc”.
Bên cạnh đó, giống lúa TBR 225 (có gen kháng bạc lá) là sản phẩm bản quyền của ThaiBinh Seed qua nhiều năm, được nông dân tin dùng. Bằng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống lúa TBR225 ngày càng được cải tiến tốt hơn, khắc phục những nhược điểm của giống.
Đến nay, TBR225 chống chịu tốt với bệnh bạc lá. Thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với thời vụ của các địa phương. Tiềm năng năng suất cao, trung bình đạt 65-70 tạ/ha, được thương lái thu mua tươi tại ruộng với giá cao.
Trong vụ mùa năm nay, Tập đoàn ThaiBinh Seed còn giới thiệu các giống lúa ngắn ngày phù hợp để triển khai cây vụ đông ưa ấm như: TBR 97, TBR 89, Nếp A Sào.
Đáng chú ý, giống Bắc Thơm 7 mới vừa được ThaiBinh Seed phối hợp với Viện Cây lương thực, Cây thực phẩm chuyển thành công gen kháng bạc lá. Đây là giống được bà con nông dân các địa phương gieo trồng nhiều, nhất là những vùng có nhiều thương hiệu gạo như tỉnh Nam Định, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình).