“Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông tỉnh Điện Biên” được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

NDO - Thực hiện Quyết định số 65/QĐ-BVHTTDL ngày 12/1/2022, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên vừa phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tủa Chùa tổ chức Lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông tỉnh Điện Biên”.
0:00 / 0:00
0:00
“Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông tỉnh Điện Biên” được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Phát biểu tại buổi lễ công bố và trao chứng nhận, đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, nhấn mạnh: Có thêm Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông tỉnh Điện Biên được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ là niềm vui, niềm phấn khởi tự hào của đồng bào dân tộc Mông, mà đây cũng là tiền đề, động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục nỗ lực thực hiện thành công hơn nữa công tác giữ gìn phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh, của địa phương.

Với các địa phương có đồng bào dân tộc Mông sinh sống được nhận bằng Công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, đồng chí Vừ A Bằng đề nghị, chính quyền địa phương cần coi trọng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của các loại hình di sản văn hóa, văn hóa phi vật thể tại địa phương. Chủ động triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trong công tác bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần cho người Mông cư trú trên địa bàn, thực hiện bảo tồn phát huy tốt nhất di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục quốc gia.

Điện Biên là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, có 19 dân tộc, gồm: Thái; Mông; Kinh; Dao; Khơ Mú; Hà Nhì; Lào; Hoa (Hán); Kháng; Mường; Cống; Xinh Mun; Si La; Nùng; Phù Lá; Thổ; Tày; Sán Chay và dân tộc khác. Mỗi dân tộc có nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên.

Riêng với dân tộc Mông, đến nay có 3 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Tết Nào Pê chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọng (xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng); Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại bản Cổng Trời (xã Sa Lông, huyện Mường Chà); Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông tỉnh Điện Biên.