Chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, mặc dù năm 2022, thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội do Covid-19 ít hơn nhiều so với năm 2021, nhưng số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 14,1% so với năm trước; số lượt đoàn đông người giảm 32,7%; tổng số đơn các loại giảm 4%.
Tuy nhiên, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước tăng 3,9%. Nhìn chung, tình trạng công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm thành phố, trụ sở các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương không nhiều và không phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong kỳ báo cáo, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 19.975/23.526 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 84,9%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 25,2 tỷ đồng, 1,9ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 319,0 tỷ đồng, 8ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 61 tổ chức, 702 cá nhân; kiến nghị xử lý 466 người; và chuyển cơ quan điều tra xử lý 32 vụ, 35 đối tượng.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã được kiềm chế. Các tòa án đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, triển khai các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Các tòa án đã nhận được tổng số 20.663 đơn thư các loại; qua phân loại, số đơn mới đủ điều kiện thụ lý có 5.244 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 3.911 đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; 235 đơn khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Báo cáo tại phiên họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2022, số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân của Viện kiểm sát nhân dân tối cao giảm 23,4%, số đơn tiếp nhận giảm 3,5% nhưng tính chất, mức độ vẫn phức tạp.
Khiếu kiện đông người hoặc kéo dài phổ biến vẫn là khiếu nại, tố cáo liên quan đến vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định loại đất, mức bồi thường trong thu hồi, phải phóng mặt bằng, dự án khu công nghiệp, bố trí tái định cư, tranh chấp về hợp đồng tín dụng, vay tài sản… Khiếu nại trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tư pháp nói chung, của Viện kiểm sát các cấp nói riêng, vẫn chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực: hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi hành án hình sự, dân sự…
Cần định hướng giải pháp để giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần nghiên cứu theo hướng sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến, hoàn thiện báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết thì nên gửi cho Đoàn đại biểu Quốc hội để nghiên cứu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần có định hướng giải pháp để giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo, bao gồm các giải pháp căn cơ về hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường vai trò của cả hệ thống chính trị trong lĩnh vực này, kể cả giải pháp về hòa giải, thương lượng đối với vấn đề dân sự, cũng như giải pháp liên quan đến đối thoại về hành chính.
Ngoài ra, cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân để bảo đảm quyền công dân theo đúng quy định của pháp luật. Việc giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo vượt cấp, lòng vòng cần được thực hiện theo hướng tăng cường vai trò của các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Về phạm vi giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ khiếu nại sẽ giải quyết theo Luật Khiếu nại, tố cáo sẽ giải quyết theo Luật Tố cáo, còn tin báo, tố giác tội phạm xử lý theo Luật Tố tụng hình sự. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần làm rõ ranh giới xử lý 3 vấn đề này để bảo đảm đúng quy định pháp luật, không bỏ lọt sai phạm, tội phạm, đồng thời bảo đảm quyền của công dân…
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/9. (Ảnh: DUY LINH) |
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nhận định, đánh giá về tình hình khiếu nại, tố cáo, những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và những giải pháp đề cập trong các báo cáo.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội. Trong đó, đánh giá làm rõ thêm về tình hình, đặc điểm khiếu nại tố cáo năm 2022, phân tích chỉ rõ những tiến bộ, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; làm rõ việc tăng giảm số lượng, số vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cả về số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết quả tiếp nhận xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân…
Bên cạnh đó, các báo cáo cần làm rõ hơn các giải pháp cụ thể, trong đó có giải pháp trọng tâm, then chốt, mang tính đột phá, cần thực hiện ngay, cùng những giải pháp cơ bản lâu dài nhằm tiếp tục cải thiện tình hình, nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.