Sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành hàng cá tra đã tăng trưởng mạnh trong 7 tháng đầu năm 2022. Đầu tháng 8, giá cá tra giống đang ở mức 29.000-30.000 đồng/kg.
Tính đến cuối tháng 7, diện tích thu hoạch giống cá tra đạt 1.953,7ha, sản lượng sản xuất ước đạt khoảng 15,9 tỷ con cá tra bột và hơn 2,2 tỷ con cá tra giống, tăng 10% so cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thu hoạch cá tra 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 0,81 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2021.
Cả nước hiện có 103 cơ sở sản xuất giống, tập trung tại 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp; có 1.913 cơ sở ương dưỡng giống cá tra đang hoạt động, tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An.
Hiện nay, sản xuất cá tra của tỉnh Đồng Tháp chiếm hơn 33% diện tích và gần 35% sản lượng cá tra toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng. Hằng năm, tỉnh cung cấp khoảng 20 tỷ con cá tra bột và khoảng 1,2-1,3 tỷ con cá tra giống đủ nhu cầu con giống cho nuôi thương phẩm trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
“Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng cá tra của tỉnh đang đối mặt với không ít những thách thức trong quá trình phát triển, trong đó, liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo; giá bán cá tra thương phẩm và cá giống biến động liên tục, thiếu thông tin định hướng thị trường, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; ứng dụng khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết.
Thông tin tình hình dịch bệnh trên cá tra, ông Tiền Ngọc Tiên, Chi Cục Trưởng Chi Cục Thú y vùng VII, Cục Thú y cho biết, ngành nuôi cá tra đối mặt với nhiều thách thức, trong đó phải kể đến khó khăn về dịch bệnh. Trong 7 tháng đầu năm, thiệt hại trên cá tra được ghi nhận hơn 300ha, chủ yếu do dịch bệnh, tại 3 tỉnh gồm: An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.
Đại biểu đến từ Đại học Đồng Tháp trình bày tại hội nghị. |
Cơ quan thú y đã giám sát, phát hiện bệnh nguy hiểm trên cá tra là bệnh gan thận mủ và một số bệnh thông thường phổ biến khác như: bệnh xuất huyết, ký sinh trùng...
“Đối với cơ sở nuôi cá tra, cần chủ động xây dựng và triển khai chương trình giám sát dịch tại cơ sở; xem xét việc sử dụng vaccine phòng bệnh cho cá tra, gắn với xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để xuất khẩu; chỉ sử dụng con giống đã qua kiểm dịch và có chất lượng tốt”, ông Tiền Ngọc Tiên đề nghị.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, trong chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra, con giống là khâu then chốt, quyết định sự thành bại.
“Cần phải ứng dụng công nghệ mới vào công đoạn ương dưỡng cá tra nhằm nâng cao tỷ lệ sống, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên nước và điều kiện tự nhiên. Trong tổ chức sản xuất, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long”, đặc biệt đối với tỉnh Đồng Tháp. Tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn tỉnh An Giang”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.