Phát biểu làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận chiều 30/5, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, liên quan vấn đề quy hoạch địa điểm xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận, cấp có thẩm quyền đã cho chủ trương và Quốc hội đã biểu quyết Nghị quyết về tạm dừng xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, nghị quyết đưa ra là tạm dừng chứ không phải là hủy bỏ, cho nên về nguyên tắc không có cơ sở để bỏ quy hoạch điện hạt nhân, Bộ trưởng Công thương nêu rõ.
“Mặt khác, địa điểm này đã được các đối tác của chúng ta và bản thân ngành công thương cùng với các ngành có liên quan đã nghiên cứu rất kỹ và khẳng định Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất cho việc phát triển điện hạt nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng nêu quan điểm, liên quan vấn đề điện hạt nhân, phải cấp có thẩm quyền mới có thể quyết định được. Ở góc độ ngành, theo Bộ trưởng, ngành công thương cũng đã tham mưu cho Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng đã nhất trí rằng xu hướng trên thế giới hiện nay đã quay trở lại phát triển điện hạt nhân.
Bộ trưởng Công thương giải thích, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), các quốc gia đã cam kết phát triển năng lượng sạch, theo đó, khai thác năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Theo Bộ trưởng, để khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này, nhất thiết phải có điện linh hoạt, hay nói cách khác là điện nền ổn định, mà điện nền thì chỉ có thể là nhiệt điện than hoặc là thủy điện, nhưng nhiệt điện than đã không còn điều kiện để phát triển, thủy điện thì cũng hết dư địa phát triển.
“Vì vậy, trong tương lai, nếu chúng ta buộc phải thực hiện những cam kết ở COP26 thì sẽ phải phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo. Để phát triển năng lượng tái tạo thì phải có điện nền, mà điện nền thì xu hướng tất yếu đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải tính đến điện hạt nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Bộ trưởng cũng dẫn thực tế Hoa Kỳ và Đức, 2 quốc gia 3 năm trước đã khởi động quá trình giảm điện hạt nhân, hiện tại cũng đang phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn điện hạt nhân, làm cơ sở cho việc khai thác và phát triển năng lượng tái tạo.
Cho biết ngành đã kiên trì kiến nghị với Chính phủ và Chính phủ cũng đã báo cáo với Quốc hội về quy hoạch địa điểm để phát triển điện hạt nhân ở khu vực Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, địa điểm này đã được các đối tác nghiên cứu rất kỹ và đề xuất rằng không có địa điểm nào phù hợp hơn để phát triển điện hạt nhân tập trung tại Ninh Thuận.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm dừng theo quyết định tại Nghị quyết số 31 năm 2016 của Quốc hội, quy định dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 ngày 25/11/2009 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, với tổng mức đầu tư dự toán khoảng 200 nghìn tỷ đồng (tại thời điểm lập dự án, quý IV/2008).
Báo cáo trước Quốc hội liên quan việc triển khai chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch của ngành, Bộ trưởng cho biết, tới thời điểm này, những tồn tại, hạn chế của Bộ Công thương chủ yếu là chưa đạt tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia so với yêu cầu và kỳ vọng. Bộ cũng đã phân tích, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tổ chức, cá nhân đối với những hạn chế đó, đồng thời cũng đã có giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ.
Đến nay, Bộ đã hoàn thành việc lập 4/5 quy hoạch ngành quốc gia được Chính phủ giao, gồm quy hoạch điện, năng lượng, khoáng sản và hạ tầng dầu khí. Trong đó, 1 quy hoạch đã thẩm định xong và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Quy hoạch Điện VIII, còn 3 quy hoạch ngành vẫn đang trong quá trình thẩm định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, dự kiến trong quý III/2022, các quy hoạch ngành quốc gia cơ bản sẽ hoàn thành. Riêng quy hoạch thăm dò, khai thác phóng xạ thì chưa đủ điều kiện xây dựng do dữ liệu điều tra về trữ lượng Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm nhiệm chưa thực hiện xong. Bộ Công thương cũng đã trình Chính phủ và được Chính phủ ra Thông báo số 4896 năm 2020 cho phép lùi thời hạn lập quy hoạch đến năm 2023.
Cơ bản thống nhất với những nội dung đánh giá của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, đặc biệt là những nhận định về tồn tại, bất cập và nguyên nhân trong quá trình lập quy hoạch thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công thương thống nhất về các giải pháp chủ yếu trước mắt mà Chính phủ đã đề xuất, đó là đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết nhằm tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng quy hoạch, các quy hoạch ngành, các cấp thời kỳ 2021-2030.
Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, rất cần phải tổng kết, đánh giá một cách thấu đáo để rà soát, điều chỉnh, bổ sung Luật Quy hoạch phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, Bộ trưởng đề xuất bổ sung các nội dung như bổ sung quy hoạch về điều chỉnh cục bộ quy hoạch, trong đó quy định về tiêu chí, nguyên tắc điều chỉnh cục bộ, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ sao cho vừa bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện, vừa công khai, minh bạch, chặt chẽ, đồng bộ và bảo đảm việc không điều chỉnh cục bộ tràn lan, phá vỡ tính liên kết, ổn định của hệ thống quy hoạch.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần thiết phải bổ sung vào danh mục quy hoạch trong Luật Quy hoạch ngành quốc gia quan trọng để bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.