Dự lễ ký kết có GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương, lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Bình Dương…
Đề án sẽ đánh giá kết quả phát triển của tỉnh Bình Dương một cách toàn diện trên tất cả các mặt trong thời kỳ đổi mới; xác định, làm rõ những đặc trưng nổi bật của mô hình phát triển tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước; phân tích những nguyên nhân, nhất là cách làm, dẫn đến sự thành công và rút ra những bài học kinh nghiệm từ kết quả đạt được của tỉnh Bình Dương.
Đề án cũng phân tích, dự báo những nhân tố tác động đến sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong 3 thập kỷ tới; xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, mô hình, định hướng chiến lược và lộ trình phát triển của tỉnh Bình Dương đến năm 2050; đồng thời kiến nghị, đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách để tỉnh Bình Dương có những đột phá phát triển trong tương tương lai.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, có thể nói đây là một dấu mốc rất quan trọng để cụ thể hóa quá trình, đường lối, chủ trương của Đảng trong 25 năm phát triển tỉnh Bình Dương. Nếu có sự phân tích, so sánh thì chúng ta nhận thấy một điều, từ một tỉnh nông nghiệp, sau 25 năm Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp mà tỷ lệ đô thị cao nhất cả nước với hơn 85%. Những mô hình và cách làm của Bình Dương đã đặt ra cho chúng ta suy nghĩ là phải luôn tìm tòi để phát huy lợi thế, định vị cho tỉnh trong vùng và cả nước để lựa chọn cho tỉnh một hướng phát triển.
Tuy nhiên, yêu cầu phát triển mới hiện nay với tầm nhìn, định hướng và cách đột phá phát triển của đất nước, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện đổi mới, yêu cầu phát triển trên nền tảng khoa học, công nghệ, sáng tạo, đang đặt ra cho chúng ta một suy nghĩ để đánh giá thật đúng, thật trúng những dư địa, những nguồn lực, những quan hệ tương tác để lựa chọn cho tỉnh Bình Dương một cách đi lên.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, sự ký kết đặt ra cho tỉnh vừa là nhiệm vụ, nhưng đồng thời rất có ý nghĩa trong tổng kết thực tiễn, hoàn thiện lý luận để phát triển bền vững. Đây cũng là cơ sở quan trọng thực hiện những mô hình, hoàn thiện đường lối, phát huy những dư địa để tiếp tục phát triển.
Qua tổng kết, qua phân tích, qua đánh giá vấn đề hết sức quan trọng, chúng ta có nền tảng, trên cơ sở phân tích, dự báo, đặt mình trong hoản cảnh của đất nước, của vùng, của liên kết vùng, kết quả của sự hợp tác sẽ đánh giá lại toàn diện, đầy đủ về mô hình phát triển Bình Dương sau 25 năm, qua đó đưa ra tầm nhìn, định hướng, đột phá phát triển cho Bình Dương trong thời gian tới.
Sáng cùng ngày, với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và các đại biểu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ công bố Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy và thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (gọi tắt là IOC), tại tầng 1, tháp A, Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương. Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Bình Dương là một kênh giao tiếp chính thống giữa người dân với Đảng và Nhà nước, từ đây người dân, cán bộ, công chức, viên chức có thể tác nghiệp thông qua Cổng thông tin điện Tỉnh ủy.
IOC là một hệ thống công nghệ thông tin bao gồm cơ sở hạ tầng, phần cứng, phần mềm có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị. IOC sẽ phục vụ đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế-xã hội theo thời gian thực. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc.
IOC với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển cùng hơn 20 lĩnh vực giám sát, điều hành đã được triển khai để tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về các chỉ tiêu phát triển của tỉnh, nhất là các lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh. Tại IOC, các biểu đồ trực quan của các ngành, lĩnh vực được đưa về IOC sẽ được hiển thị trực quan 24/7, các hình ảnh từ hệ thống camera giám sát trên toàn tỉnh được kết nối về bộ máy đầu não, kết hợp nền tảng bản đồ số và thông qua cơ sở dữ liệu dùng chung hỗ trợ lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình của tỉnh 24/24, giúp ra quyết định một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng, việc đưa vào hoạt động IOC và Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập tỉnh Bình Dương, góp phần cụ thể hóa việc thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra là: Xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; phấn đấu đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.