Từ đó, người dân cũng dần chuyển từ tập quán canh tác truyền thống sang phương thức sản xuất hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm giá trị kinh tế cao trên cùng đơn vị diện tích.
Điểm lại thành quả thu được sau hơn hai năm thí điểm triển khai DĐĐT tại hai xã Thanh Hưng và Thanh Yên, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Bùi Hải Bình hồ hởi cho biết: Về diện tích hoàn thành DĐĐT đến cuối năm 2020 là 60 ha, song thành quả thu được từ việc thí điểm này lại vô cùng to lớn. Với người nông dân có ruộng đã được DĐĐT thì họ thấy rõ hiệu quả nhiều mặt: chi phí ít hơn, công sức bỏ ra ít hơn mà năng suất cao hơn; sản phẩm làm ra đến đâu có người về thu mua đến đó. Thậm chí lúa mới bén rễ, thương nhân đã về ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, người nông dân không phải lo tính giá đổi công như trước nữa. Chính quyền địa phương cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để tới đây tiếp tục triển khai nhân rộng sang các xã khác, để cánh đồng Mường Thanh thật sự là cánh đồng mẫu lớn trong khu vực Tây Bắc.
Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng mẫu lớn ở xã Thanh Hưng, ông Bùi Hải Bình cung cấp chi tiết từng con số. Ông Bình cho biết: Trước đây, cánh đồng gần 40 ha này là 989 thửa của 241 gia đình, vậy mà nay sau khi DĐĐT chỉ còn 310 thửa, như vậy so với ban đầu giảm 68,65% số thửa. Diện tích trung bình mỗi thửa trước khi dồn chỉ hơn 422 m2, nhưng sau khi dồn đã tăng lên 1.253 m2.
Cũng trên cánh đồng này, sau khi hoàn thành DĐĐT thì nông dân và chính quyền xã Thanh Hưng đã hoàn thành xây dựng được 4,6 km đường nội đồng và 5,98 km kênh thủy lợi trong khi trước đó đường nội đồng chỉ là 510 m và hơn 1,1 km kênh thủy lợi. Với xã Thanh Yên hoàn thành DĐĐT được 20,2 ha từ 498 thửa xuống còn 131 thửa; đường nội đồng trước khi DĐĐT chỉ có 158 m vậy mà sau tăng lên 1,3 km; kênh thủy lợi được kiên cố tăng từ 778 m lên 3,87 km.
Trên con đường nội đồng được đổ bê-tông phẳng lỳ của thôn Mỹ Hưng (xã Thanh Hưng), chúng tôi gặp từng tốp người vừa đi vừa chuyện trò rôm rả. Hỏi chuyện thì được biết, họ là nông dân thôn Mỹ Hưng đang trên đường ra ruộng chờ gặt lúa. Bà Trần Thị Nguyệt kể: Trước đây nông dân vất vả 10 phần thì giờ còn hai; gieo cấy, thu hoạch toàn bộ là máy móc hết! Nông dân chỉ thăm đồng, theo dõi sâu bệnh và phun thuốc phòng trừ đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông chứ không tùy tiện phun các loại thuốc như trước đâu. Năng suất lúa trên cánh đồng lớn cao hơn, chất lượng tốt hơn mà chúng tôi không phải lo đầu ra sản phẩm; làm ra đến đâu có người mua hết đến đó.
Đầu năm 2021, nông dân xã Thanh Hưng tiếp tục đăng ký DĐĐT hàng trăm ha nhưng để bảo đảm thủ tục dồn đến đâu xong đến đó, UBND xã đã điều chỉnh diện tích dồn còn 67 ha. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng Lường Văn Tọ, cho biết: Trên cánh đồng lớn, nông dân thu được nhiều thành quả về năng suất, chất lượng sản phẩm và đương nhiên giá thành tốt hơn (năng suất trung bình gần 70 tạ/ha).
Nhờ đó, nhiều người có điều kiện mở rộng sản xuất, đầu tư phát triển các mô hình trồng thêm nhiều cây, nuôi thêm nhiều con. Bình quân thu nhập của nông dân Thanh Hưng hiện đã đạt 40 triệu đồng/người/năm và đó là con số mơ ước của nông dân xã khác trong huyện cũng như trong tỉnh. Cuộc sống nâng lên nhờ sản xuất lúa trên cánh đồng lớn, cho nên chẳng ai bảo ai bà con nông dân ở Thanh Hưng rất hăng hái tham gia DĐĐT trong chương trình xây dựng cánh đồng lớn theo nghị quyết đảng bộ các cấp đề ra.
Đề cập cách làm khi thí điểm DĐĐT, ông Bùi Hải Bình thừa nhận có nhiều khó khăn. Bởi là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện DĐĐT trong khi chính sách cụ thể chưa có, hướng dẫn của ngành chuyên môn cũng không cho nên quá trình thực hiện huyện cứ vừa làm vừa nghiên cứu vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách.
Với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cải tạo đồng ruộng trong khi chi phí thực tế để cải tạo mặt bằng, xây dựng đường, kênh mương nội đồng là 30 triệu đồng/ha thì huyện đã lường trước sẽ không thu hút người có ruộng. Do vậy có trước khi triển khai, huyện đã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp huyện cùng với cán bộ hai xã thường xuyên tổ chức họp dân cung cấp các văn bản quy định chế độ hỗ trợ, đồng thời tuyên truyền để người dân thấy lợi ích của DĐĐT và đồng thuận với chủ trương, cách làm.
Được họp bàn công khai, được cung cấp thông tin thực tiễn DĐĐT ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, người dân hai xã đã không chỉ đồng thuận mà còn nhất trí cao với phần kinh phí đối ứng 28 triệu đồng/ha. “Sau khi đo đạc, tính toán có nhiều hộ phải đóng từ 12 đến 15 triệu đồng, vậy mà bà con vẫn vui vẻ, trách nhiệm lắm!”, ông Bùi Hải Bình cho biết thêm.
Thực hiện DĐĐT đã giúp cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đoàn thể huyện và xã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về phương pháp, trình tự, thủ tục, vận dụng cơ chế, chính sách, song từ thực tiễn tại huyện Điện Biên, ông Bùi Hải Bình còn khẳng định: DĐĐT là điều kiện cần thiết tạo tiền đề cho một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, góp phần quan trọng nâng cao thương hiệu, giá trị của gạo Điện Biên sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh.
Do vậy mà thời gian tới, huyện Điện Biên tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình DĐĐT từ xã Thanh Hưng, Thanh Yên sang các xã khác, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng cánh đồng Mường Thanh thật sự là cánh đồng mẫu lớn, để đến năm 2025 toàn huyện có 2.000 ha lúa chất lượng cao, được sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi sản xuất hữu cơ, để hạt gạo Mường Thanh tự tin hội nhập, trở thành địa chỉ uy tín cung cấp gạo cho thị trường trong nước và thế giới.