Hàng không Việt Nam hội nhập, khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế

Bệ phóng vững chắc

Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo đã và đang mang tới những cơ hội to lớn cho sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam (HKVN) nói chung và VNA nói riêng. Những năm qua, VNA thường xuyên được Ðảng, Chính phủ quan tâm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện để mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), nhất là trong việc đầu tư, phát triển đội máy bay sở hữu, tăng cường năng lực cạnh tranh để hội nhập quốc tế. VNA đã thực hiện đúng kế hoạch phát triển đội máy bay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ năm chiếc máy bay cánh quạt của trung đoàn không quân vận tải 919 (tiền thân của Ðoàn bay 919, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam hiện nay) năm 2003, VNA đã tăng lên 33 chiếc máy bay, năm 2010 là 70 chiếc (trong đó có 16 máy bay ATR 72, 2 máy bay Fokker, 10 máy bay Airbus 320, 22 máy bay Airbus 321, 10 máy bay Boeing 777, 10 máy bay Airbus 330 là các loại máy bay tiên tiến, hiện đại trên thế giới). Ðây là bước tiến dài, một bước ngoặt lịch sử không chỉ của VNA mà còn là của ngành hàng không dân dụng nước nhà. Thành công trong đầu tư phát triển đội máy bay của VNA đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường hàng không giai đoạn 2003-2010. Ðể tiếp tục tiến trình hiện đại hóa đội máy bay, nâng cao năng lực cạnh tranh, VNA đã ký hợp đồng mua các loại máy bay có công nghệ mới nhất, hiện đại nhất, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng như Boeing 787-900,  Airbus 350 XWB... Dự kiến năm 2015, Vietnam Airlines sẽ khai thác tổng số 115 máy bay và nâng lên 165 máy bay vào năm 2020.

Những năm qua, mặc dù phải SXKD trong điều kiện môi trường cạnh tranh khốc liệt, tác động của thiên tai, dịch bệnh, giá dầu trồi sụt, nguy cơ khủng bố, khủng hoảng kinh tế toàn cầu... nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên tận dụng triệt để những lợi thế của hãng Hàng không quốc gia được kinh doanh vận tải hàng không ở một đất nước có sự ổn định về an ninh chính trị, quan hệ ngoại giao, kinh tế đang được mở rộng, đời sống nhân dân ngày một cải thiện. VNA đã xây dựng được chiến lược phát triển lâu dài và kiên trì thực hiện các mục tiêu dài hạn và các chương trình đầu tư, đổi mới công nghệ, trước hết là hiện đại hóa đội máy bay, chuyển giao và làm chủ công nghệ khai thác bảo dưỡng, sửa chữa máy bay đúng tiến độ, vừa đáp ứng tốc độ tăng trưởng, vừa hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm.

Từ một hệ thống tổ chức có quy mô khai thác 20 đến 30 chuyến bay/ngày, vận chuyển vài trăm nghìn hành khách/năm những năm 90 của thế kỷ trước chuyển sang khai thác 300 chuyến bay mỗi ngày, vận chuyển hàng chục triệu lượt hành khách/năm, VNA đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để tổ chức lại hệ thống quản lý, điều hành SXKD tiếp cận với mô hình của các hãng hàng không tiên tiến trong khu vực. Hơn mười năm qua, VNA đào tạo, gây dựng được đội ngũ phi công, kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, cán bộ thương mại và quản lý có bản lĩnh, giỏi nghiệp vụ, tiếp cận với trình độ khu vực, nhất là đội ngũ phi công người Việt Nam gần 400 người (trên tổng số 600 phi công) đáp ứng gần 70% nhu cầu khai thác số máy bay hiện có, góp phần đưa đến những thành công hôm nay của hãng.

Theo xếp hạng của Tạp chí Skytrax 2009, VNA được đánh giá là hãng hàng không đạt ba sao về chất lượng dịch vụ, nhiều tiêu chí dịch vụ đạt bốn sao và năm sao, đứng trong tốp 50 hãng hàng không hàng đầu thế giới. Theo đánh giá của khách hàng, chất lượng dịch vụ của VNA ngày càng được cải thiện.

Hội nhập thành công

Hệ thống tổ chức, đội máy bay hiện đại, cán bộ quản lý lành nghề, đội ngũ lao động chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ ngày một nâng cao là bệ phóng vững vàng để VNA mở rộng mạng đường bay, hội nhập với hàng không quốc tế.

Từ năm 2003 đến nay, với số lượng chuyến bay tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm, VNA đã bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng của nhà chức trách hàng không  Việt Nam và quốc tế. Tháng 12-2006, VNA đã được kết nạp là thành viên chính thức của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) và đã được tổ chức này cấp chứng chỉ công nhận phù hợp các tiêu chuẩn đánh giá về an toàn khai thác (IOSA). Ðây là sự khẳng định đẳng cấp về chất lượng của VNA, là cơ sở để VNA mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết với các hãng hàng không có tên tuổi, là điều kiện rất quan trọng để vào ngày 10-6 vừa qua, VNA là hãng hàng không đầu tiên của Ðông-Nam Á được kết nạp vào Sky Team, liên minh hàng không lớn thứ hai trên thế giới. Từ 75 đường bay đang được khai thác tới 20 điểm nội địa và 26 điểm đến quốc tế với hơn 300 chuyến bay mỗi ngày, gia nhập Sky Team, Vietnam Airlines đã đưa khách hàng hòa vào mạng đường bay toàn cầu rộng lớn của Liên minh với hơn 850 điểm đến tại 169 quốc gia. Thành công này đã khẳng định vị thế của Vietnam Airlines, sự sẵn sàng hội nhập và chiến lược dài hạn cho một tương lai phát triển mạnh mẽ. Sự kiện này cho thấy vị thế của Vietnam Airlines đã được nâng cao, ngang tầm các hãng hàng không thành viên khác trong Liên minh như Air  France, KLM Royal Dutch Airlines, Korean Air, China Southern, Delta Air Lines...

Ðúc kết nguyên nhân thành công của quá trình đứng vững, phát triển và khẳng định thương hiệu, bản sắc Việt Nam trong hội nhập quốc tế thời gian qua sẽ là kinh nghiệm, động lực để Tổng công ty Hàng không Việt Nam (TCTHKVN) thực hiện thành công mục tiêu của năm năm tới (2010-2015) là: "Xây dựng TCTHKVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, lực lượng vận tải chủ lực, giữ vai trò chủ đạo trong giao thông hàng không tại Việt Nam và có vị trí xứng đáng trong khu vực Tiểu vùng với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bảo dưỡng, công nghiệp hàng không và đào tạo chuyên ngành tiên tiến, là cầu nối quan  hệ quốc tế của nước Việt Nam hội nhập, trở thành hãng hàng không có tầm cỡ, đứng thứ hai trong khu vực Ðông - Nam Á; đồng thời góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền và địa phương, kinh doanh có hiệu quả và là lực lượng dự bị đáng tin cậy cho an ninh quốc phòng của đất nước".

Sự phát triển giai đoạn 2003-2010 qua các con số

- Tổng hành khách vận chuyển ước khoảng 58,6 triệu lượt người; tốc độ tăng trưởng bình quân 15,1% năm; thị phần vận tải hành khách bình quân đạt 56,8%.

- Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển ước thực hiện 882,3 nghìn tấn; tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 9,1% năm; thị phần vận tải bình quân đạt 40,5%.

- Tổng lợi nhuận trước thuế, ước đạt 3.664,6 tỷ đồng.

- Nguồn vốn chủ sở hữu được bảo toàn và không ngừng phát triển: Vốn giao năm 1996 là 1.298 tỷ đồng, năm 2002 là 3.063 tỷ đồng, năm 2009 là 6.882 tỷ đồng (tăng gấp  năm lần so với vốn được giao). Dự kiến năm 2010, tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 8119,6 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2003-2010 đạt 10,3% năm.

- Nộp ngân sách dự kiến đến hết năm 2010 ước đạt 4659,8 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 9,2% năm.

Phạm Ngọc Minh
(Tổng công ty Hàng không Việt Nam)