Y đức sáng ngời

Khu nhà trọ cho người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Việt - Đức.
Khu nhà trọ cho người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Việt - Đức.

Phó Giáo sư
Tôn Thất Bách.

Trong dòng người đi theo linh cữu Phó Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Bách  về nơi yên nghỉ cuối cùng hôm ấy, bên cạnh người thân, bạn bè, đồng nghiệp của ông, còn có cả những bệnh nhân vừa mới ra viện và  cả những người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Ðức. Họ đến để chia sẻ nỗi đau chia ly vĩnh viễn với một lương y như từ mẫu, một nhà quản lý nhân từ, một người thầy hết lòng vì học sinh, người đã suốt đời mở rộng tấm lòng với mọi người.

Mái ấm tình thương

Sự kiện Bệnh viện Hữu nghị Việt - Ðức, Hà Nội mở khu nhà trọ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn với giá rẻ hồi cuối năm 2003 đã gây tiếng vang lớn, không những ở thủ đô mà lan truyền khắp trong nước và quốc tế. Người đã giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ấy bình tâm chữa trị bệnh tật là giám đốc Bệnh viện Việt - Ðức, cố Phó Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Bách.

Một trong những học trò của cố Phó Giáo sư Tôn Thất Bách, bác sĩ Nguyễn Ðức Chính, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Việt - Ðức rưng rưng nhớ lại những ngày "phụ tá" người thầy kính yêu của mình. Ngày 15-7-2003, Phó Giáo sư Tôn Thất Bách đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện Việt - Ðức. Mối quan tâm lớn của ông là làm sao giúp đỡ những bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn đến điều trị tại bệnh viện. Nhiều người ở các tỉnh xa, với họ, vài chục nghìn đồng là cả một vấn đề. Ý tưởng xây nhà trọ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo giá rẻ đã được Phó Giáo sư Tôn Thất Bách đề xuất trong cuộc họp của ban giám đốc bệnh viện. Ðúng ngày 13-11-2003, khu nhà trọ với 190 giường đã được đưa vào hoạt động. Với giá rẻ 10.000 đồng/giường một ngày đêm, những bệnh nhân nghèo và những người nhà bệnh nhân ở xa đã có nơi trú ngụ với giá tiền phù hợp hoàn cảnh. Các khu phục vụ như nhà ăn giá rẻ, dịch vụ điện thoại gần kề tiện liên lạc. Mục đích chính của khu nhà trọ này, theo như tinh thần của Phó Giáo sư Bách, là làm từ thiện cho người nghèo. Bởi với số tiền thuê ít ỏi trên chỉ đủ để trang trải tiền điện, nước và thuê người phục vụ, dọn dẹp vệ sinh khu nhà trọ. Ðến nay, số người tới thuê nhà trọ ngày càng đông. Bệnh viện đã mở rộng lên 207 giường với bốn khu A, B, C, Ð. Bác Trần Thanh Ðạm, phụ trách nhà trọ cho biết: "Hiện tại, lượng người đến thuê trọ vào dịp đầu tuần thường là kín giường. Ðiều quan trọng nhất là người bệnh và người nhà bệnh nhân nghèo đến đây thấy yên tâm và an toàn. Tâm lý đó tạo cho bệnh nhân yên tâm để có sức khỏe và tâm lý tốt tiếp tục quá trình điều trị".

Vừa nói, bác Ðạm vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà nghỉ trọ. Ở khu nhà B, bác Nguyễn Ngọc Hùng, 76 tuổi, quê ở huyện Ðức Thọ, Hà Tĩnh là một trong những người có "thâm niên" ở nhà trọ lâu nhất, đã 16 ngày nay. Bác Hùng ra chữa bệnh u xơ tuyến tiền liệt và viêm mạc bàng quang. Bác Hùng kể: "Trước khi ra Hà Nội chữa bệnh, gia đình chúng tôi phải bán cả đàn lợn được hơn hai triệu bạc. Ra đến đây, tiền viện phí và phẫu thuật đã mất hơn triệu. Cả hai người con của tôi cũng theo ra chăm sóc bố. Ban đầu, cả nhà lo lắng vì nếu thuê nhà trọ ở ngoài sẽ mất nhiều tiền và an ninh không bảo đảm. May quá vào bệnh viện tôi được thuê nhà trọ ở đây. So với ngoài thị trường, mức giá thuê ở nhà trọ rẻ, hợp với túi tiền của những người nghèo như chúng tôi. Thì anh tính, nhiều khi chúng tôi muốn ăn một bát phở cũng phải xem lại túi tiền rồi mới bước vào hàng. An ninh của nhà trọ ở Bệnh viện Việt - Ðức tốt, tình trạng vệ sinh sạch sẽ khiến chúng tôi rất yên tâm".  Ðang nói, bác Hùng bỗng trầm giọng: "Tiếc quá, hôm qua tôi nghe được tin là ông giám đốc bệnh viện, Phó Giáo sư Tôn Thất Bách mới mất. Tôi đã nhiều lần xem trên ti-vi và đọc báo thấy ông Bách rất tâm huyết với sức khỏe người dân, nhất là người nghèo. Tại sao những người tốt như vậy lại ra đi sớm như vậy hả anh?".

Tấm lòng nhân ái

Ngoài những sáng kiến như đặt các hộp thư đến từng khoa phòng để trực tiếp thu nhận những ý kiến phản hồi của bệnh nhân, cung cấp những bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, Phó Giáo sư Tôn Thất Bách còn liên hệ với nhiều tổ chức y tế quốc tế để quyên góp y cụ, tiền giúp bệnh nhân. Qua tiếng vang của mô hình nhà trọ cho bệnh nhân nghèo. Bằng tài năng và uy tín của mình, Phó Giáo sư Bách cũng được nhiều tổ chức của Pháp, Mỹ tài trợ cho Bệnh viện Việt - Ðức những y cụ quý. Gần đây nhất, tổ chức L'appel của Pháp đã tặng bệnh viện 300 lá phổi nhân tạo, trị giá mỗi lá phổi gần 600 USD để hỗ trợ quá trình phẫu thuật của bệnh viện. Tổ chức R.E.Z của Mỹ cũng đóng góp 12.000 USD vào quỹ của bệnh viện để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Nhờ những khoản tiền và những phương tiện, trang thiết bị quý báu này, nhiều bệnh nhân nghèo đã được cứu sống.

Sắp đến giờ phải chia tay, trong ký ức của mình, bác sĩ Nguyễn Ðức Chính vẫn còn nhớ như in tấm lòng hết mình vì người bệnh của người thầy kính yêu. Ấy là trước lúc ra đi hai tuần, trong cuộc họp toàn bệnh viện ở hội trường, giám đốc Bách là người đầu tiên bỏ vào chiếc hòm từ thiện số lương của mình để lấy tiền giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Học tập đức độ và tấm lòng cao cả ấy, tất cả cán bộ, viên chức của Bệnh viện Việt - Ðức đã cùng nhau san sẻ, đóng góp một phần lương của mình để mong làm dịu bớt nỗi đau của người bệnh. Chiếc hòm ấy hiện đang được đặt ở phòng khám để tiếp tục đón nhận những tấm lòng vàng. Có lẽ cố Phó Giáo sư Tôn Thất Bách sẽ không thể biết rằng, những tình cảm và tấm lòng yêu thương trìu mến với con người của ông sẽ được các học trò ở Ðại học Y Hà Nội nơi ông đã từng giảng dạy suốt bao nhiêu năm qua, các đồng nghiệp ở Bệnh viện Việt - Ðức và nhân dân tiếp tục lưu giữ và phát huy, vì nét đẹp cao cả của con người là tình  thương đồng loại, tình yêu cuộc sống.