Xác định rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay, huyện miền núi Quỳ Hợp đã sớm đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm tạo nên sự nhất quán trong quá trình chỉ đạo. Khâu tuyên truyền vận động đã được đặc biệt chú trọng, bởi sự tham gia của người dân là nhân tố quyết định trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhờ làm tốt khâu tuyên truyền vận động mà ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từng bước "thấm" vào mỗi người dân nơi đây. Ðiều này lý giải tại sao Quỳ Hợp chặn đứng được vấn nạn nhà sàn, cồng chiêng... rời bản. Mối lo "bản vắng nhà sàn" đã vợi đi khi mà người dân ý thức rằng việc giữ gìn truyền thống cha ông là việc của chính mình. Thật tự hào khi đến nay, ở Quỳ Hợp vẫn còn đó những xã như Bắc Sơn, Nam Sơn, những bản như Noóng Ổn (Châu Thái), Bản Bồn (Châu Lý)... được mệnh danh là "xứ sở nhà sàn". Các xã như Châu Lý, Bắc Sơn, Nam Sơn, Châu Hồng đều xây dựng nhà văn hóa xã bằng nhà sàn truyền thống. Ở rất nhiều bản, làng bà con đã đóng góp sức người, sức của dựng nhà sàn truyền thống làm nơi hội họp, sinh hoạt, vui chơi của bản mình.
Về các bản, làng vùng sâu của Quỳ Hợp hôm nay, rất dễ bắt gặp những ngôi nhà sàn mới mà các cặp vợ chồng trẻ gom góp dựng nên để làm tổ ấm, như một sự tìm về nguồn cội cha ông; còn đó những dàn cồng chiêng, khung cửi, chiếc vạc đồng... mà bà con nâng niu như báu vật.
Cùng với những giá trị văn hóa vật thể, những giá trị văn hóa phi vật thể được đặc biệt quan tâm bảo tồn, gìn giữ. Không phải ngẫu nhiên mà xã vùng sâu như Châu Lý, vượt lên những khó khăn ngân sách hạn hẹp, hơn mười năm nay duy trì Hội xuân truyền thống. Ðể trong không khí đầm ấm đầu năm người dân nơi đây lại hội tụ đua tài ở các môn thể thao truyền thống như ném còn, kéo co, đi cà kheo, chơi đu, bắn nỏ, đẩy gậy... Ðêm Hội xuân, những làn điệu dân ca Nghệ An, câu xuối, câu lăm, tiếng khèn, tiếng pí cùng hòa ngân vang vọng núi rừng. Xã Châu Cường nỗ lực khôi phục "Lễ hội Mường Ham", để người dân mường gần mường xa lặn lội tìm về thành kính dâng nén tâm nhang trước bàn thờ Tạo Mường, Tạo Nọi, vượt hàng trăm bậc đá lên với động Nang Ni. Cùng với thời gian, Ngày Hội truyền thống 19-4 huyện Quỳ Hợp đã được định hình, hằng năm vào dịp này đồng bào các dân tộc anh em trong huyện lại náo nức về vui hội, đua tài. Khách về vui hội sẽ được thưởng thức những canh bồi, chẻo pịa, thịt chua, gỏi cá, hò mọc, cơm lam... mang hương vị rất riêng của núi, rừng.
Bên cạnh đó, thông qua những hoạt động văn nghệ quần chúng được tổ chức thường xuyên tại khắp các xã, vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng. Những làn điệu xuối, lăm, nhuôn... của dân tộc Thái; dạ ời, tập tình tập tang, đu đu điềng điềng... của dân tộc Thổ; câu hò, điệu ví dân ca Nghệ An... góp nên bức tranh đa sắc, làm phong phú đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Không dừng lại ở đó, năm 2003, Câu lạc bộ Văn học - Nghệ thuật huyện Quỳ Hợp đã được thành lập, tập hợp những cây viết, những hạt nhân văn hóa - văn nghệ trên địa bàn. Ðến nay, câu lạc bộ đã cho ra mắt 13 số tập san Văn hóa - Văn nghệ mang đậm dấu ấn về mảnh đất con người Quỳ Hợp. Câu lạc bộ chữ Thái cũng đã ra đời tại xã Châu Cường, con em trong vùng bên cạnh học chữ phổ thông đã quen dần với những Lai Tay, Lai Xứ. Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái - Bản Vi (xã Bắc Sơn), Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thổ - Làng Mó (xã Nghĩa Xuân) đã được thành lập, các nghệ nhân của bản mường cùng say sưa sưu tầm "vốn xưa" - nét bản sắc văn hóa của ông cha để truyền lại cho lớp trẻ hôm nay, để mai này dù đi khắp bốn phương trời cháu con vẫn không quên nguồn cội và "vốn xưa" sẽ mãi còn đây với bản, với mường.