Nghiên cứu này được tiến hành từ năm 2016, nhóm nghiên cứu tập trung vào vấn đề ATGT của học sinh THPT tại Hà Nội.
Theo PGS.TS Chu Công Minh (Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), phụ trách nhóm nghiên cứu, học sinh THPT có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây. Ba nguyên nhân hàng đầu góp phần gây ra TNGT trẻ em bao gồm: Đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát.
Ngoài ra, học sinh còn vi phạm một số quy định cơ bản khi tham gia giao thông: 34% xe mô-tô không có gương chiếu hậu, với xe máy con số này là 81%, với xe đạp điện là 90%. Tỷ lệ TNGT của nhóm đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất, khoảng 0,5 vụ/học sinh. Nghĩa là cứ 2 học sinh thì có một học sinh có xảy ra TNGT liên quan xe đạp điện, xe máy điện.
Qua khảo sát đối với 2.390 học sinh THPT tại Hà Nội cho thấy, 52% các em lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện đi lại, 7% đi xe máy trái phép. Theo điều tra, chỉ có 2% học sinh lớp 9 và 4% học sinh THPT sử dụng xe buýt tới trường.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, có tới 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện và xe đạp điện. Điều đó cho thấy xe máy điện, xe đạp điện là phương tiện đến trường mất an toàn đối với học sinh THPT, đòi hỏi phải được hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt chẽ nhiều hơn nữa để bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường.
Bên cạnh đó, xe bus – phương tiện di chuyển thích hợp nhất đối với độ tuổi của các em học sinh từ lớp 9 đến THPT bởi sự tiện lợi, an toàn trong điều kiện giao thông phức tạp tại đô thị – lại chưa phải là lựa chọn hàng đầu của các em khi tới trường. Theo điều tra, chỉ có 2% học sinh lớp 9 và 4% học sinh cấp 3 sử dụng xe bus tới trường.
Đối với công tác giáo dục ATGT, học sinh THPT chủ yếu được dạy về quy định pháp luật và biển báo hiệu đường bộ, kỹ năng điều khiển phương tiện chủ yếu do cha, mẹ hướng dẫn. Có 33% học sinh trả lời chưa được học cách đi bộ an toàn, 27% học sinh chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách.
Nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp để cải thiện ATGT cho học sinh, trong đó có sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, cải thiện cơ sở hạ tầng, phổ biến kiến thức, kỹ năng,...
Ông Yano Takeshi, Chủ tịch VAMM cho biết: “Qua những số liệu nghiên cứu đã được thực hiện, chúng tôi nhận thấy rằng trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông. Đối với học sinh THPT – đối tượng được phép tham gia giao thông độc lập, nhưng lại thiếu những kỹ năng xử lý tình huống thực tế thì càng cần phải nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng, gia đình và nhà trường hơn nữa.
Hiện tại, chúng tôi rất tự tin với bộ giải pháp đột phá và toàn diện mà nhóm nghiên cứu đưa ra. Chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng, cam kết đưa ra một lộ trình thực hiện nhanh chóng nhằm góp phần phát triển môi trường giao thông an toàn, lành mạnh cho các em học sinh nói riêng và toàn xã hội nói chung”.
Từ những hiệu quả thiết thực mà hợp tác đem lại, VAMM và Ủy ban ATGT Quốc gia quyết định tiếp tục ký thỏa thuận Chương trình phối hợp hưởng ứng năm ATGT Việt Nam 2017. Tại buổi lễ, VAMM cũng công bố gói tài trợ cho dự án nghiên cứu “Vai trò của xe máy tại Việt Nam – Hiện tại và tương lai”, được thực hiện trong năm 2017 dưới sự giám sát của Ban điều hành Quỹ nghiên cứu ATGT của VAMM. Mục tiêu của đề án là đưa ra giải pháp quản lý sử dụng xe máy an toàn, hiệu quả, thân thiện để phát triển một môi trường giao thông an toàn, hiện đại cho người dân.
Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định: “Chương trình phối hợp giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội VAMM năm 2016 đã mang lại nhiều đóng góp tích cực cho công tác nâng cao nhận thức cho người dân và bảo đảm ATGT tại Việt Nam. Trong quá trình tham gia giao thông, nhóm học sinh THPT là nhóm dễ bị tổn thương. Chính bởi vậy các giải pháp nhằm nâng cao ATGT cho học sinh THPT có vai trò rất quan trọng.
Các kết quả nghiên cứu, phân tích tỷ lệ TNGT theo nhóm phương tiện, nguyên nhân TNGT, sở thích đi lại, kỹ năng điều khiển phương tiện của học sinh THPT, thực trạng sở hữu phương tiện của hộ gia đình cùng các kiến nghị, đề xuất giảm thiểu tai nạn giao thông ở lứa tuổi THPT của nhóm nghiên cứu sẽ là các căn cứ quý báu để Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổng hợp đề ra những biện pháp, chính sách hiệu quả, kịp thời ngăn chặn TNGT ở học sinh THPT tại Việt Nam, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện và bền vững”.