Ấn Độ đưa 31 vệ tinh lên quỹ đạo trong một lần phóng

NDO -

NDĐT - Trong nỗ lực hiện thực hóa tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong việc biến quốc gia này trở thành một nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh giá rẻ, ngày 23-6 Ân Độ đã phóng thành công một tên lửa mang theo 31 vệ tinh lên vũ trụ.

Ấn Độ đưa 31 vệ tinh lên quỹ đạo trong một lần phóng

Từ bãi phóng Sriharikota thuộc bang Andhra Pradesh ở miền nam Ấn Độ, hệ thống tên lửa có tên Phương tiện phóng vệ tinh Polar (PSLV) đã đưa thành công vệ tinh Cartosat-2 nặng 712kg cùng 30 vệ tinh loại nhỏ khác lên quỹ đạo cần thiết.

Được xem là con mắt của Ấn Độ trên bầu trời, Cartosat-2 sẽ cung cấp các dịch vụ cảm biến từ xa nhờ sử dụng các máy ảnh toàn sắc và đa phổ. Những hình ảnh vệ tinh này cung cấp sẽ được sử dụng cho các ứng dụng vẽ bản đồ, quản lý và sử dụng đất đai ven biển, giám sát mạng lưới giao thông, thủy lợi, tạo bản đồ sử dụng đất cũng như các ứng dụng hệ thống thông tin địa lý.

Ngoài ra, lần phóng này tên lửa của Ấn Độ còn mang theo 29 vệ tinh của các khách hàng nước ngoài bao gồm Áo, Bỉ, Chi-lê, CH Czech, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Slovakia, Anh và Mỹ theo một thỏa thuận với Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO)

Trên tài khoản Twitter của mình, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã gửi lời chúc mừng ISRO đã thực hiện thành công vụ phóng vệ tinh lần thứ 40. Từ nhiều năm nay, chính phủ của ông Modi vẫn đang tìm cách thúc đẩy chương trình vũ trụ với các công nghệ giá rẻ.

Năm 2014, Ấn Độ đã đưa một con tàu vũ trụ tới sao Hỏa với chi phí chỉ mất 74 triệu USD, chỉ bằng một phần nhỏ so với mức kinh phí 671 triệu USD mà cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA chi cho chương trình sao Hỏa MAVEN của họ.

Với những thành công của mình, chương trình vũ trụ của Ấn Độ hiện đã chiếm được một thị phần nhất định trên thị trường phóng vệ tinh thế giới. Theo báo cáo của Quỹ Vũ trụ, năm 2015, ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu đạt giá trị 323 tỷ USD. Trong đó, ngành vũ trụ Ấn Độ chiếm được khoảng 0,6% tổng giá trị này. ISRO cho biết, cho tới nay tên lửa PSLV của Ấn Độ đã giúp đưa được 209 vệ tinh của các khách hàng nước ngoài lên quỹ đạo.

Tháng 2 năm nay, Ấn Độ cũng đã lập được kỷ lục thế giới khi đã đưa được tới 104 vệ tinh lên quỹ đạo chỉ với một lần phóng, vượt qua kỷ lục phóng một lúc 37 vệ tinh mà Nga lập hồi năm 2014.