Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá

Sau nhiều năm ấp ủ, mới đây, Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) chính thức mở cửa đón khách tham quan. Đây là bảo tàng đầu tiên do cộng đồng một làng nghề tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng và sưu tầm hiện vật; tái hiện lịch sử và truyền thống văn hóa hơn 125 năm qua của làng nghề nhiếp ảnh duy nhất ở Thủ đô.

Du khách tham quan Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. Ảnh: TIẾN DŨNG
Du khách tham quan Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. Ảnh: TIẾN DŨNG

Bảo tàng được khánh thành ngày 15-5 (tức 20-4 âm lịch, ngày giỗ cụ Khánh Ký - người được dân làng tôn là cụ tổ của nghề nhiếp ảnh làng Lai Xá). Năm 1892, cụ Nguyễn Đình Khánh, sinh năm Giáp Tuất 1874, đã mở hiệu ảnh đầu tiên lấy tên là Khánh Ký ở phố Hàng Da (Hà Nội) và mang nghề nhiếp ảnh về làng truyền dạy. Từ đó trở đi, người Lai Xá còn mở thêm 150 hiệu ảnh ở khắp đất nước với khoảng hơn 2.000 thợ ảnh. Điều tạo dấu ấn riêng là hiệu ảnh của người Lai Xá thường được kèm theo chữ “Ký” hoặc chữ “Lai”: An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký, Phúc Lai, Kim Lai… Nghề nhiếp ảnh ở làng Lai Xá phát triển rực rỡ vào nửa đầu thế kỷ 20, ngoài những thành phố lớn trong nước, thợ ảnh Lai Xá còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới như: Đức, Pháp, Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma… Nhiều phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh có tiếng cũng đã trưởng thành từ làng.

Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá đã hoàn thiện giai đoạn một, gồm hai tầng có không gian trưng bày 300 m2, với 150 bức ảnh, 25 pa-nô bài viết và gần 150 hiện vật. Kiến trúc và bài trí do một nhóm chuyên gia thiết kế bảo tàng người Pháp thực hiện, chịu trách nhiệm nội dung và trưng bày có PGS, TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học), họa sĩ Đam Ca và nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh lão làng của Lai Xá. Tại tầng một, khách tham quan có cơ hội chiêm ngưỡng một phòng chụp ảnh, rửa ảnh hoàn chỉnh thời xưa với máy ảnh cổ, hộp gỗ, giá ba chân, phông vẽ cảnh quan... cùng nhiều vật tư, thiết bị ngành ảnh quý hiếm qua các thời kỳ. Bảo tàng còn dành một không gian mang tính thường xuyên thay đổi để giới thiệu những bức ảnh đẹp của các thành viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Lai Xá, tạo không khí tươi mới. Toàn bộ không gian trưng bày chính của bảo tàng được thể hiện trên tầng hai, chia thành nhiều chủ đề riêng. Không gian “Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá” giới thiệu về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Khánh với dấu mốc đặc biệt mở hiệu ảnh có tên Khánh Ký đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội. Rồi không gian giới thiệu một số sản phẩm ảnh của các bậc tiền bối được sắp xếp theo chuyên đề (chân dung, nghệ thuật ảnh sáng, ảnh ghép, ảnh tô mầu bằng tay). Nhiều bức ảnh quý hiếm ghi lại khoảnh khắc vô giá của các vĩ nhân, người nổi tiếng, các nghệ sĩ tên tuổi… do thợ ảnh Lai Xá thực hiện. Cuối cùng là không gian nói về nghề ảnh với người Lai Xá hiện nay. Qua đây, người xem sẽ hiểu thêm những thiếu thốn, gian nan mà người Lai Xá đã vượt qua để giữ được nghề, tạo ra những bức ảnh có giá trị trường tồn với thời gian, gây xúc động lòng người.

Bên cạnh các hiện vật được những người sáng lập tìm kiếm và thu thập, có rất nhiều tài liệu, hiện vật do chính người dân làng Lai Xá tự nguyện hiến tặng để xây dựng bảo tàng với mong muốn lưu giữ nghề tổ, cũng như giới thiệu cho du khách bốn phương về làng nghề nhiếp ảnh đặc biệt qua bao thăng trầm lịch sử. Đó cũng là điểm sáng, là câu chuyện đầy nhân văn trong quá trình xây dựng Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. Cuộc vận động đóng góp cho bảo tàng cộng đồng nhiếp ảnh Lai Xá đã lập tức nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của các thợ ảnh, các nghệ sĩ, các chủ hiệu ảnh xưa và nay không chỉ ở Lai Xá mà khắp trong nước và nước ngoài gửi về. Chẳng hạn, anh Phạm Mạnh Hùng (Hà Nội) hiến tặng bảo tàng chiếc máy quay phim gia truyền lâu năm của gia đình, hợp tác xã nhiếp ảnh Nắng Xuân hiến tặng một bộ sưu tập máy ảnh cổ… Nhờ sự nhiệt tình của cộng đồng nhiếp ảnh, bảo tàng đã tiếp nhận được nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu; tạo sự hấp dẫn, phong phú cho nội dung trưng bày.

Sự ra đời của Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá góp thêm một điểm đến văn hóa - du lịch trong làng, bên cạnh Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, ga-lơ-ry ảnh Nguyễn Anh Tuấn cùng các hiệu ảnh lâu đời. Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ nhiệm làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, chia sẻ : “Bảo tàng của làng không cần lớn lắm, nhưng quan trọng nhất là cách bài trí nội thất bên trong và cách thức tổ chức chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng lo lắng làm sao duy trì và nuôi dưỡng, tạo ra bảo tàng sống động trong bối cảnh mới của nghề ảnh, biến nơi đây trở thành điểm du lịch độc đáo của Hà Nội”.