Những thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ vào y học Việt Nam

NDO -

NDĐT - Trong báo cáo tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ của ngành y tế năm 2017, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ sự hài lòng với những thành tựu nổi bật trong công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực y tế.

Thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng robot tại Bệnh viện Bình dân.
Thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng robot tại Bệnh viện Bình dân.

Nghiên cứu ứng dụng thành công các công nghệ sinh học, kỹ thuật tiên tiến góp phần chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả các bệnh hiểm nghèo, bệnh khó, đưa công nghệ một số lĩnh vực y học đạt tầm thế giới là một bước tiến của ngành y học Việt Nam trong năm qua.

Trong năm 2016, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh, tật ở người như ghép tạng. Tính đến tháng 9-2016, cả nước đã thực hiện 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim thành công. Việt Nam cũng đã thành công trong việc trị liệu tế bào gốc, mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử, y học hạt nhân, trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, các bệnh mới phát sinh. Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược chất phục vụ công nghiệp bào chế thuốc, tăng dần tỷ lệ nguyên liệu dược chất trong nước, phát huy ưu thế, tiềm năng về dược liệu và thuốc y học cổ truyền.

Chúng ta cũng thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng robot tại Bệnh viện Bình dân. Đây là hệ thống robot phẫu thuật thứ hai được Bộ Y tế cấp phép điều trị tại Việt Nam (năm 2013 đã cấp cho Bệnh viện Nhi Trung ương), cho phép tiến hành phẫu thuật nhiều bộ phận với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác, hiệu quả an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục.

Việt Nam cũng đã ứng dụng thành công bước đầu một số công nghệ tiên tiến trong sản xuất vắc-xin phòng bệnh ở người. Đã thử nghiệm lâm sàng thành công vắc xin phối hợp sởi - rubella được Nhật Bản chuyển giao công nghệ. Vắc xin này dự kiến sẽ được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017. Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục duy trì và hoàn thiện Chức năng giám sát thử nghiệm lâm sàng vắc xin sau khi được được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đạt chuẩn vào tháng 7-2015.

Ghi nhận những thành tựu của ngành y tế, năm qua có bốn công trình đã đạt được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (đợt 5, năm 2016) gồm “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chuẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch” (Tác giả GS, TS Phạm Minh Thông); “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chuẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” (của GS, TS Mai Trọng Khoa); “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó với một số bệnh nguy hiểm” (của GS, TS Nguyễn Gia Bình); và “Cụm công trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu, điều trị người bệnh và có đủ máu dự trữ cho an ninh, quốc phòng, dự phòng thảm họa” (của GS, TS Nguyễn Anh Trí và nhóm tác giả Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương).

Ngành y học cũng có một công trình đạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2016 là Công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc của GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên và cố GS, TSKH Đặng Đức Trạch về “Ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất văcxin phòng bệnh cho người". Ba công trình đạt Giải thưởng Nhân tài Đất Việt “Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị” của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi một lỗ và qua lỗ tự nhiên trong điều trị ung thư đại trực tràng” của Bệnh viện Trung ương Huế, “Nghiên cứu áp lực nội sọ trong hồi sức cấp cứu và đề xuất giải pháp giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân chấn thương sọ não nặng điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế” của Bệnh viện Trung ương Huế.

Với những kết quả khả quan trong việc ứng dụng khoa học công nghệ này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các lĩnh vực y học cơ bản, y học kỹ thuật cao, y học lâm sàng, y tế cộng đồng, quản lý y tế.