Pleng Skur Thum - "Báu vật" của người Khmer

Nghệ thuật âm nhạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào Khmer; trong đó có một loại hình âm nhạc truyền thống độc đáo là Nghệ thuật nhạc trống lớn Khmer Cà Mau, từng được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ nhân biểu diễn dàn nhạc trống lớn tại Liên hoan "Tiếng hát 3 dân tộc" tổ chức tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). (Ảnh THÀNH LONG)
Các nghệ nhân biểu diễn dàn nhạc trống lớn tại Liên hoan "Tiếng hát 3 dân tộc" tổ chức tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). (Ảnh THÀNH LONG)

Cùng với dàn nhạc ngũ âm, dàn nhạc trống lớn hay còn được gọi là Pleng Skur Thum được xem là báu vật quý giá, được gìn giữ và bảo tồn qua nhiều thế hệ. Theo tài liệu của Bảo tàng Văn hóa tỉnh Cà Mau, xuất phát từ tỉnh Trà Vinh- vùng đất có đông đồng bào Khmer sinh sống, hai ông Hữu Pinh, Hữu Mốt đã mang theo Pleng Skur Thum đến vùng đất U Minh-Cà Mau vào khoảng đầu thế kỷ 20.

Kể từ đó dàn trống lớn đã gắn bó mật thiết với đời sống của người dân Khmer ở miệt rừng cuối trời Tổ quốc. Đại đức Hữu Nhiều, Trụ trì chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết: Dàn nhạc trống lớn Pleng Skur Thum mang ý nghĩa linh thiêng, được sử dụng ở các nghi lễ, lễ hội lớn ở chùa như: lễ An vị tượng Phật, lễ đắp núi cát ở đêm cuối tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok, lễ Sene Đôl ta, lễ cầu an trong phum, sóc… và lễ tang.

Nếu âm thanh của nhạc ngũ âm mang đến sự rộn ràng, vui tươi thì đặc trưng của dàn nhạc trống lớn lại có giai điệu chắc chắn, vững chãi, tiết tấu chậm rãi, mỗi nhịp trống phát ra có âm thanh trầm và vang xa. Dàn nhạc trống lớn gồm 14 nhạc cụ khác nhau, trong đó chiếc trống lớn (Skur Thum) là loại nhạc cụ thuộc bộ da.

Ðây là chiếc trống lớn nhất, cũng là linh hồn của cả dàn nhạc, thường được cất giữ bảo quản nơi sạch sẽ, đặt trên cao ở trong ngôi sala hoặc chính điện chùa. Theo các vị trưởng lão, trống này là vật linh thiêng không ai dám đến gần mà chỉ để đánh trống báo tin cho đồng bào, Phật tử đến chùa hoặc ngày lễ… Ngoài ra, không cho phép đánh trống bừa bãi, không đúng lúc vì người trong phum, sóc sợ có chuyện không may.

Là thế hệ kế thừa những tinh hoa văn hóa dân tộc, nhạc sĩ Hữu Trung, Trưởng đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau đã tiếp nối và gìn giữ nghệ thuật trống lớn Khmer bằng tất cả tâm huyết của mình. Ông cùng các nghệ sĩ trong đoàn sưu tầm những bản nhạc cổ để ký âm, phiên dịch lời bài hát bằng chữ Khmer và chữ quốc ngữ, sau đó lưu giữ văn bản, tổng hợp các tư liệu còn sót lại bổ sung vào hồ sơ để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận "Nghệ thuật nhạc trống lớn của dân tộc Khmer ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau" là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia vào năm 2022.

Bên cạnh đó, ông còn mời những nghệ nhân có nhiều năm kinh nghiệm về dàn nhạc trống lớn tham gia đào tạo, rèn giũa cho những người trẻ có đam mê tại đơn vị. Và một trong những hướng đi có hiệu quả, góp phần đưa nghệ thuật truyền thống tới gần hơn với đời sống đồng bào Khmer là việc Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau đã ứng dụng thanh âm từ dàn nhạc lễ truyền thống trở thành chất liệu sáng tác ca khúc hiện đại, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.

Xuất phát từ vùng đất Tân Lộc, huyện Thới Bình, đến nay nghệ thuật trống lớn Khmer tỉnh Cà Mau đã được gìn giữ hơn 100 năm. Từ những năm 1922, dàn nhạc này đã bắt đầu hình thành có tổ chức, nhiều thành viên trong và ngoài phum, sóc khác đến học hỏi. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay ở một số huyện cũng có đông đồng bào Khmer các lứa tuổi sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ. Theo thời gian, do tác động của du nhập văn hóa, âm nhạc truyền thống dân tộc đứng trước nguy cơ bị mai một, quên lãng.

Hiện nay, số lượng các nghệ nhân ở tỉnh Cà Mau tham gia diễn tấu, hòa tấu dàn nhạc trống lớn không còn nhiều, phần vì mưu sinh, phần vì đây là bộ môn nghệ thuật có ngôn ngữ Khmer cổ cho nên giới trẻ rất khó tiếp cận. Nhiều nghệ nhân đã cố gắng truyền dạy, lan tỏa niềm đam mê âm nhạc truyền thống với lớp trẻ, mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng người Khmer ở tỉnh Cà Mau.

Nghệ nhân Keo Da Rat là một trong những "quả ngọt" của tâm huyết đó. Hiện đang công tác tại Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, anh cũng là một trong những người góp công đưa Pleng Skur Thum trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, với tâm huyết "muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để bảo tồn, gìn giữ di sản này cho đồng bào mình".

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Hiếu Hùng cho biết, ngành văn hóa Cà Mau sẽ quan tâm phối hợp cơ quan chức năng và các địa phương tổ chức tuyên truyền, quảng bá Pleng Skur Thum với bà con trong và ngoài tỉnh; đồng thời tổ chức tập huấn, truyền nghề để nghệ thuật trống lớn tiếp tục trường tồn với thời gian.