Phương Tây nhấn mạnh cần thiết đối thoại với Nga

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Nhà trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẵn sàng nối lại các cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu Nga thật sự tìm cách chấm dứt xung đột tại Ukraine. Tổng thống Pháp cũng cho biết, sẽ nối lại thảo luận với người đồng cấp Nga sau chuyến thăm Washington, đồng thời cảnh báo phương Tây không nên cắt đứt liên hệ với lãnh đạo Nga.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại bữa tiệc tối ở Washington vào ngày 1/12. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại bữa tiệc tối ở Washington vào ngày 1/12. Ảnh: Reuters

Trong tuyên bố ngày 2/12, Điện Kremlin khẳng định Tổng thống Putin sẵn sàng thảo luận về giải pháp ở Ukraine, song việc Mỹ từ chối công nhận các vùng lãnh thổ sáp nhập Nga đang cản trở việc tìm kiếm khả năng nhượng bộ. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Tổng thống Putin luôn sẵn sàng tiếp xúc và đàm phán để bảo đảm lợi ích của Nga, thông qua các biện pháp ngoại giao, hòa bình.

Theo Reuters, điện đàm với Tổng thống Putin ngày 2/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi Nga sớm có giải pháp cho xung đột tại Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Putin đề cập việc thực hiện thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen và việc dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga. Tổng thống Nga cũng yêu cầu điều tra minh bạch về các sự cố tại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, hiện Nga không còn tham gia các hội nghị cấp cao của liên minh quân sự này và NATO cần duy trì liên lạc với Moskva. Ông Stoltenberg nhấn mạnh, hợp tác với Moskva là một phần của cấu trúc an ninh ở châu Âu. Các đường dây liên lạc quân sự cần được duy trì để ngăn chặn căng thẳng leo thang và sự cố xảy ra.

Bộ Quốc phòng Na Uy tuần trước cho biết, Na Uy vẫn duy trì một số kênh thông tin liên lạc với Nga, gồm cả về quân sự. Oslo cho rằng, tại thời điểm này, không nhận thấy bất kỳ mối đe dọa quân sự trực tiếp cụ thể nào đối với Na Uy.