Phục hồi và thích ứng xã hội trong trạng thái bình thường mới

NDO -

Hiện nay, việc bao phủ vaccine và thuốc điều trị sẽ giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc mới. Do đó, nhiều quốc gia đã thực hiện thay đổi chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 từ việc gắng sức dập dịch dứt điểm chuyển sang chung sống an toàn với dịch bệnh, Việt Nam cũng trong xu hướng đó.

Hội thảo khoa học: “Phục hồi và thích ứng xã hội trong trạng thái bình thường mới của dịch Covid- 19”. (Ảnh: NINH CƠ)
Hội thảo khoa học: “Phục hồi và thích ứng xã hội trong trạng thái bình thường mới của dịch Covid- 19”. (Ảnh: NINH CƠ)

Ngày 10/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiểu ban UNESCO về Khoa học xã hội phối hợp Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phục hồi và thích ứng xã hội trong trạng thái bình thường mới của dịch Covid-19”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu Quản lý chuyển đổi xã hội (UNESCO-MOST) và nhận được sự quan tâm của các vị khách quốc tế, nhà ngoại giao, các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học...

Các nhà khoa học tham dự hội thảo nhận định: Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống, sức khỏe và tính mạng người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực. Dịch bệnh Covid-19 khó có thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Hiện nay, việc bao phủ vaccine và thuốc điều trị sẽ giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc mới. Do đó, nhiều quốc gia đã thực hiện thay đổi chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 từ việc gắng sức dập dịch dứt điểm chuyển sang chung sống an toàn với dịch bệnh, Việt Nam cũng trong xu hướng đó.

GS, TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết, ngày 11/10, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP nhấn mạnh quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thực hiện mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới ngay từ cuối năm 2021.

Từ cách tiếp cận xã hội học, các bài tham luận do những chuyên gia trình bày đã tập trung vào những vấn đề xã hội từ góc nhìn thích ứng, chống chịu và bền vững trước đại dịch. Đồng thời, phân tích thực trạng, lý giải đặc điểm và đưa ra những bằng chứng khoa học để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.