Dự lễ, có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang; Pheng Phăn Lương Ma Ni, Tham tán công sứ, Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam; Đuông Chít Chăng Xay Vàng, Phó tỉnh Trưởng tỉnh Xiêng Khoảng; Say Khỏng Sai Nạ Xín, Tổng thư ký Trung ương hội hữu nghị Việt – Lào.
Dự án phục hồi, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia cách mạng Lào có tổng vốn đầu tư trên 1,6 tỷ đồng do Sở Văn hoá, Du lịch và Thể thao tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư bằng ngồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa và huy động nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án đã phục hồi nhà ở và nhà làm việc của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông; nhà Hội trường; phục hồi, tôn tạo hệ thống hầm, hào; cải tạo lại cửa hang Đá Bàn; tôn tạo nhà bia tổng thể; xây dựng cầu kiên cố bắc qua suối dẫn vào khu di tích; xây nhà Ban quản lý di tích…
Phát biểu tại lễ khánh thành, đồng chí Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Việc phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các hạng mục trong khu di tích quốc gia cách mạng Lào thể hiện lòng trân trọng, ghi nhớ công lao đối với các thế hệ lãnh đạo đi trước, minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt – Lào.
Để phát huy hơn nữa những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của khu di tích quốc gia Cách mạng Lào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy có hiệu quả các giá trị lịch sử của khu di tích; đưa khu di tích lịch sử quốc gia cách mạng Lào tại Tuyên Quang thực sự trở thành biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt – Lào. Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ của hai nước để tiếp tục nuôi dưỡng, vun đắp và đưa mối quan hệ Việt Nam – Lào mãi mãi gắn bó, ngày càng hiệu quả.
Khu di tích lịch sử quốc gia cách mạng Lào tại thôn Làng Ngòi và thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng là nơi ghi dấu những trang sử hào hùng, nơi chứng minh cho mối tình hữu nghị đoàn kết, keo sơn của nhân dân 2 nước Việt Nam – Lào.
Tại đây, ngày 13-8- 1950, đã diễn ra Đại hội toàn quốc Mặt trận Lào kháng chiến, về dự Đại hội có hơn 100 đại biểu thay mặt nhân dân các bộ tộc Lào. Đại hội đã bầu ra Chính phủ kháng chiến Lào do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm Thủ tướng; đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, làm Bộ trưởng Quốc phòng (sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào) và bầu ra Ban chấp hành Trung ương Mặt trận Lào tự do (neo Lào ITSALA) nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, thống nhất cho nước Lào xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Cũng tại đây, từ tháng 6 năm 1950 đến cuối năm 1951, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã ở, làm việc lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào.