Phục dựng, bảo tồn lễ hội Hạn Khuống ở Nghĩa Lộ

Năm 2013, màn múa với hơn 2.000 nghệ nhân tham gia biểu diễn sáu điệu xòe Thái cổ ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) - nơi tập trung đông đồng bào Thái sinh sống, được kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận. Trong đời sống văn hóa của đồng bào Thái, có các lễ hội như: Rằm tháng Giêng, lễ xíp xí, lễ hội hái hoa ban... nhưng một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đặc trưng nhất của người Thái là Hạn Khuống. Hạn Khuống được coi là linh hồn của dân bản, tượng trưng cho phồn vinh, no ấm của văn minh lúa nước vùng Tây Bắc.

Tái hiện Hạn Khuống trong ngày hội dân gian dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Tái hiện Hạn Khuống trong ngày hội dân gian dân tộc Thái vùng Tây Bắc.

Hạn Khuống, theo nghĩa đen của tiếng Thái là “sàn sân”, tức là một cái sàn dựng ở ngoài sân. Sân hình vuông hoặc hình chữ nhật cao từ 1 đến 1,2 m, mặt sàn rộng khoảng 20 m2, được lát bằng tre hoặc phên nứa, chung quanh có chấn song đan hình mắt cáo, có một cửa ra vào, lên xuống bằng cầu thang có từ ba đến năm bậc. Ở giữa sàn có một bếp lửa, cạnh bếp lửa người ta dựng cây vũ trụ, tiếng Thái gọi là “Lắc say” là một cây tre to, dài, có ngọn, được trang trí các con giống đủ mầu sắc, bốn cây nhỏ hơn dựng ở bốn góc thể hiện bốn phương trời. Hạn Khuống là do các cô gái chưa lấy chồng trong bản đứng ra tổ chức, dưới sự cố vấn của người cao tuổi có kinh nghiệm. Dựng xong, đêm đầu làm lễ khánh thành, nam nữ thanh niên trong bản cùng góp đồ ăn, rượu và mời người già cùng ăn mừng tại chỗ. Sau đó, các chàng trai, cô gái công khai tìm hiểu nhau qua tài nghệ và lời ăn tiếng nói rồi kết tóc se duyên.

Các chàng trai phải trải qua nhiều cuộc thử tài mới được các cô gái nhận vào tham dự hội: Thử tài ở đây là bằng lời ca, tiếng hát. Nhưng muốn lên sàn thì phải hát xin lên, muốn ngồi thì phải hát xin ghế ngồi, muốn uống nước thì phải hát xin nước uống... Và cứ liên tiếp như vậy, các chàng trai lần lượt qua các “cửa ải” thật khó khăn bằng lý lẽ thuyết phục lòng người. Để rồi đôi nào ưng ý nhau tỏ tình trao duyên, qua thời gian tìm hiểu nhờ bà “Mờ” để xin cưới thành vợ nên chồng. Nghệ nhân Lò Văn Biến ở thôn Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Lễ hội Hạn Khuống không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bà con, nơi đây còn là nơi để nam thanh, nữ tú đến tìm hiểu nhau, cũng là nơi bàn bạc, trao đổi công việc của mỗi thành viên trong gia đình. Hạn Khuống cũng là nơi để dạy dỗ, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trong cộng đồng đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung, người Thái ở Nghĩa Lộ nói riêng.

Lễ hội Hạn Khuống chính là sân chơi của nam nữ người Thái chưa lập gia đình. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa, vui chơi độc đáo đang được phục dựng, bảo tồn và phát triển trên vùng đất Mường Lò, vùng đất tổ của tộc người Thái. Năm 2016, Hạn Khuống của đồng bào Thái ở Nghĩa Lộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.