Vị “đắng” mía đường
Như mọi ngày, sáng 15-9, ông “vua mía” Đoàn Đắc Miên ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa ra thăm ruộng mía với tâm trạng không vui. Thời hưng thịnh, mỗi năm trồng 12 ha mía, nhờ đầu tư chủ động được nước tưới nên năng suất mía đạt gần 100 tấn/ha. Mỗi năm bán gần 1.000 tấn mía, thu nhập một tỷ đồng, lãi ba, bốn trăm triệu đồng một mùa. Nhiều lần được vinh danh là nông dân giỏi, tấm gương điển hình vì sự nghiệp mía đường, thế nhưng hiện nay, ông Miên cũng đang lâm vào cảnh khó khăn vì cây mía.
Ông Miên là người tiên phong, mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ mới vào trồng mía, ban đầu ông bỏ ra 200 triệu đồng đào hai hồ nước, với hệ thống tưới nước toàn bộ diện tích rộng 12 ha. Ông Miên còn vay hàng tỷ đồng để mua dàn máy Kobuta đa năng bao gồm cả máy cày, trồng, máy làm cỏ, bón phân... Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, đã tiết kiệm được 50% chi phí so trồng thủ công như trước đây và năng suất mía gia đình ông đạt 100 tấn/ha.
Tuy nhiên, liên tiếp các vụ liền giá mía từ hơn một triệu đồng/tấn đã giảm dần, đến niên vụ 2018-2019 chỉ còn quanh mức 720.000 đến 750.000 đồng/tấn. Do vậy, nếu trước đây mỗi vụ mía lãi 300-400 triệu đồng, thì liên tiếp từ 2018 đến nay, gia đình ông Miên phải chịu lỗ chừng ấy tiền chi phí cho công chăm sóc, đầu tư và thu hoạch.
Vốn tính tếu táo, ông Miên nói: “Diện tích đất vẫn không đổi, nhưng giờ chỉ làm được 4ha thôi, do hết tiền rồi. Năm nay, giá mía dự đoán có tăng lên, nhưng không còn sức để nuôi nữa, bỏ dở. Tóm lại, mía còn nhưng bỏ đói, lại mất cơ hội thêm vụ nữa”.
Cùng cảnh như ông Miên, nhiều hộ trồng mía đã đuối sức vì cây mía. Như trường hợp ông Mai Văn Hòa ở xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, mỗi năm trồng 13 ha mía, thua lỗ nặng đã giảm một nửa diện tích. Theo tính toán của người trồng mía, giá mía giảm từ hơn một triệu xuống còn từ 750.000 đến 800.000 đồng/tấn nhưng công chặt tới 250.000 đồng/tấn, cộng tiền bồi dưỡng lái xe, tiền trung chuyển, tính ra mỗi ha người trồng mía thua lỗ nặng. Nhiều vùng người dân chuyển đổi, bỏ cây mía sang trồng sắn và cây keo lai.
Ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết, diện tích mía toàn tỉnh Phú Yên niên vụ 2018-2019 là 27.984 ha, đến niên vụ 2019-2020 còn 23.845 ha và niên vụ 2020-2021 chỉ còn 22.545 ha. Diện tích giảm, cộng với nắng hạn kéo dài, năng suất mía giảm gần một nửa so trước đây, như niên vụ 2019-2020 năng suất mía bình quân chỉ đạt 45 tấn/ha. Giá thu mua mía nguyên liệu tại ruộng có tăng hơn so niên vụ 2019 - 2020 800.000 đồng/tấn mía sạch; nhưng giữa các nhà máy trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch: Giá thu mua của Công ty TNHH CN KCP Việt Nam là cao nhất với giá 930.000 đồng/tấn mía sạch 10 CCS; Công ty mía đường Tuy Hòa là 925.000 đồng/tấn mía sạch 10 CCS. Niên vụ vừa qua cũng xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu giữa các nhà máy ngoài tỉnh vào Phú Yên, nhiều nhất là địa bàn huyện Sông Hinh, nhiều xã giáp ranh mía bán ra ngoài tỉnh chiếm 2/3 sản lượng do tư thương đẩy giá lên cao.
Ông K.V.R.S Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết, tổng công suất nhà máy 10.000 tấn/ngày, nhưng do diện tích mía và sản lượng giảm nên niên vụ ép mía 2019-2020 nhà máy chỉ chạy máy có ba tháng là hết mía, so mọi năm là năm tháng. Những năm trước, khách hàng lớn của công ty là các doanh nghiệp, nhà sản xuất bánh kẹo, nước ngọt nổi tiếng, lượng đường tiêu thụ khá ổn định, giá cao. Thế nhưng gần đây, ảnh hưởng đường nhập từ Thái Lan nhiều, giá hạ, nên việc tiêu thụ đường khó khăn. Không tiêu thụ được, giá đường liên tục giảm xuống mức kỷ lục, khiến nhà máy càng khó khăn. Nếu tình hình không được cải thiện trong thời gian tới, chuỗi liên kết giữa nhà máy và nông dân được thiết lập hàng chục năm nay có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng đến cơ cấu cây trồng của tỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, những năm gần đây, ngành mía đường liên tiếp chịu sự tác động tiêu cực của khí hậu thời tiết, giá cả, thị trường trong nước, thế giới dẫn đến cả người dân và doanh nghiệp mía đường sản xuất, kinh doanh giảm sút, thua lỗ. Diễn biến khí hậu bất thường gây phát sinh các loại dịch hại, nắng hạn kéo dài liên tục qua các năm làm giảm mạnh năng suất và chữ đường. Giá thu mua mía không cao, làm diện tích vùng nguyên liệu bị thu hẹp. Hệ thống thủy lợi để sản xuất mía mặt bằng chung toàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phần lớn diện tích mía phụ thuộc nước trời, khó áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh nên năng suất, chất lượng mía chưa cao, giá thành mía nguyên liệu cao làm giảm sức cạnh tranh; không thực hiện được các kỹ thuật luân canh, xen canh, thời gian xuống giống phụ thuộc vào thời tiết (xuống giống đồng loạt khi có mưa...) nên khi mía chín tập trung đồng loạt gây khó khăn cho việc thu hoạch (thiếu nhân công thu hoạch, quá tải công suất ép của các nhà máy, thu hoạch chậm trong khi mía chín làm giảm năng suất, chất lượng). Hệ thống giao thông, đường nội đồng chưa bảo đảm làm tăng chi phí thu hoạch.
Công nghệ sản xuất, thiết bị chế biến đường của các nhà máy chế biến còn lạc hậu. Việc đầu tư công nghệ để chế biến các sản phẩm sau đường, ngoài đường còn hạn chế... nên hiệu suất thu hồi thấp, giá đường thành phẩm cao. Tình trạng thương mại khó khăn kéo dài (các tác động của hội nhập ASEAN, EVFTA) làm giảm nội lực đầu tư của các nhà máy. Giá đường trượt dốc do đại dịch Covid-19, lượng đường thành phẩm tồn kho trong các nhà máy... góp phần gây cản trở nỗ lực cải cách của các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh.
Giải pháp ứng phó
Ông K.V.R.S Subbaiah cho biết, chuẩn bị cho Hiệp định ATIGA, Công ty KCP đã chủ động có chiến lược riêng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập. Trong đó, đầu tư nâng công suất hai nhà máy Nhà máy đường Sơn Hòa lên 10.000 tấn mía cây/ngày và Nhà máy đường Đồng Xuân lên 1.000 tấn mía/ngày. Từ năm 2017, KCP xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy điện sinh khối từ bã mía giai đoạn 1, công suất 30 MW với tổng kinh phí đầu tư 1.300 tỷ đồng. Nhà máy điện đang hoạt động ổn định, tạo nguồn thu cho công ty giúp công ty tăng doanh thu và nâng cao giá thu mua mía cho nông dân.
Ông K.V.R.S Subbaiah nói: “Khó khăn là vậy, nhưng công ty đã gắn kết quyền lợi với người nông dân, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng người nông dân gỡ khó. Đầu tư cho người nân dân áp dụng cơ giới vào đồng ruộng, nâng diên tích mía có tưới, đưa năng suất lên cao; nâng công suất máy rút ngắn thời gian ép mía. Tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu theo chiều sâu, giúp nông dân cải tạo đồng mía theo hướng cánh đồng mẫu lớn; điều chỉnh lịch thời vụ để cây mía khi thu hoạch đạt năng suất, chữ đường cao nhất để đôi bên cùng có lợi".
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, mía là cây công nghiệp ngắn ngày chủ lực của tỉnh, có sự gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến; ngành sản xuất mía đã và đang đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo. Do vậy, trước tình hình khó khăn của ngành mía đường hiện nay, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến mía đường và hộ dân trồng mía trên địa bàn tỉnh, đề ra các chính sách thích ứng với các tác động của Hội nhập ASEAN đối với mía đường.
Một số giải pháp bao gồm: Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND, ngày 10-7-2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Các doanh nghiệp tiếp tục phát triển ổn định diện tích vùng nguyên liệu đã có; tập trung đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và giống mới nhằm tăng năng suất và chữ đường, phấn đấu giảm tỷ lệ mía nguyên liệu chế biến/đường; khuyến cáo giảm tối đa diện tích mía trồng ngoài vùng quy hoạch nhất là những diện tích đất dốc hơn 30%, diện tích lấn chiếm đất rừng để trồng mía.
Đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND Tỉnh và Quy chế phối hợp triển khai cho vay vốn mua sắm trang thiết bị cơ giới hóa sản xuất mía đường theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phục vụ tái cơ cấu sản xuất ngành mía đường của các sở, ngành, địa phương. Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND, ngày 4-9-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về mức hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên ban hành kèm theo Quyết định số 10/2018/QĐ-UBND ngày 22-3-2018 của UBND tỉnh, trong đó có bổ sung hai đối tượng hỗ trợ là cây mía và cây sắn.
Triển khai thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường hỗ trợ đầu tư sửa chữa và làm mới đường giao thông, hệ thống thủy lợi, đặc biệt là trong vùng nguyên liệu và các địa bàn liên quan. Có biện pháp hữu hiệu để khuyến khích nông dân sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi đã đầu tư tưới nước cho vùng nguyên liệu mía, tránh tình trạng công trình thủy lợi đã đầu tư tưới nước cho vùng nguyên liệu mía nhưng thực tế trồng cây khác, không trồng mía. Tiếp tục du nhập và khảo nghiệm các giống mía mới, có năng suất, chất lượng và phù hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương là nền tảng để áp dụng các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất mía, bổ sung vào cơ cấu giống năng suất, chất lượng cao để phát triển vùng nguyên liệu mía. Đẩy mạnh quản lý, áp dụng thu mua nguyên liệu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Các doanh nghiệp cần đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất đường tinh luyện và phải đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa sản xuất với công nghệ chế biến mới, nhằm nâng cao hiệu suất thu hồi, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, để tăng tính cạnh tranh, thực hiện vai trò liên kết khép kín từ khâu đầu tư, bao tiêu sản phẩm thu mua và chế biến. Xây dựng các dự án sau sản xuất đường để tận dụng các phụ phẩm và đa dạng hóa sản phẩm từ đường. Đầu tư xây dựng các phương án sản xuất, trang bị mua sắm một số thiết bị máy móc, công cụ phục vụ công tác thu hoạch, bốc xếp mía lên xe vận chuyển để giải quyết việc thiếu lao động thủ công trong tình hình hiện nay.