Trong khi đó, các thủy điện và hồ chứa nước thủy lợi đang tiếp tục tăng lưu lượng xả lũ, nguy cơ gây ngập lụt sâu cho vùng hạ du. Dự báo, chiều và tối nay, nước các sông tiếp tục dâng cao, người dân Phú Yên khẩn trương chạy lũ đến nơi an toàn.
Lúc 15 giờ chiều 10-11, phóng viên Nhân Dân điện tử có mặt tại các xã phía Nam huyện Tây Hòa, chứng kiến cảnh nước lũ từ các sông đang lên rất nhanh, gây ngập sâu nhiều nhà dân, chia cắt nhiều tuyến giao thông liên thôn, liên xã.
Con đường chính vào các xã Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây và Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa nhiều gia đình đã khẩn trương di dời người, tài sản và gia súc đến nơi an toàn. Trước mắt, ba địa phương này phải di dời khẩn cấp 300 hộ dân chạy lũ.
Bà Đinh Thị Tuyết Sương, thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa cho biết, mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền, nước lớn quá nhanh làm ngập nhà, bà phải dọn dẹp đồ đạt, đưa mẹ già và hai con nhỏ đến ở nhờ gia đình nhà người thân, tránh trở tay không kịp.
Ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết: do ảnh hưởng của bão số 12 gây mưa to, nước lũ dâng cao đang gây ngập lụt nhà ở của 300 hộ dân các Xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông và Hòa Thịnh. Nặng nhất là tại hai thôn Phú Thuận và Phú Thọ xã Hòa Mỹ Đông.
Khoảng 16 giờ, ông Hồ Ngọc Bưng trú tại thôn Phú Lộc, xã Hoà Thắng, Phú Hoà, Phú Yên đi thăm nước sông Ba trên kè Phú Lộc bị trượt chân ngã xuống sông và bị nước cuốn trôi, hiện chính quyền xã và gia đình đang tìm kiếm.
Chính quyền địa phương đang tập trung ưu tiên di dời khẩn cấp người già và trẻ em, các hộ dân sống ở khu vực trũng thấp đến các nhà văn hóa thôn, nhà ở của các hộ dân cao, an toàn hơn, sau đó, tiếp tục di dời tài sản, gia súc của các hộ dân đến nơi an toàn.
Chủ động phòng chống bão số 12, từ sáng sớm ngày 10-11, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên đã thành lập các tổ công tác đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó, khắc phục tại các địa phương xung yếu ảnh hưởng nặng do bão số 12.
Cũng trong ngày 10-11, đồng chí Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ huy PCTT-TKCN cùng đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra nhanh công tác ứng phó bão số 12 của các huyện: Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa và một số hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra nhanh, đồng chí Phạm Đại Dương đánh giá hầu hết các địa phương đều triển khai tốt các phương án ứng phó bão và mưa lũ, với phương châm “4 tại chỗ”. Các địa phương đã hoàn thành xong công tác sơ tán dân ở các vùng trũng thấp, xung yếu đến nơi an toàn và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Kiểm tra công tác vận hành, điều tiết nước tại các tại các hồ thủy lợi: Phú Xuân, huyện Đồng Xuân, hồ Đồng Tròn, huyện Tuy An; việc vận hành điều tiết xả lũ tại hồ thủy điện Sông Ba Hạ, đồng chí Phạm Đại Dương đặc biệt lưu ý, phải theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, đảm bảo điều tiết, xã lũ đúng phương án, chủ động, đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập.
Theo Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, do lượng mưa đầu nguồn lớn, lưu lượng nước về hồ lớn (6.600 m3/s) nên lúc 15 giờ 30 phút chiều 10-11 hồ thủy điện Sông Ba Hạ vận hành và xả lũ với tổng lượng nước về hạ du 3.000 m3/s.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tính từ 19 giờ ngày 9-11 đến 16 giờ 30 phút ngày 10-11 trên địa bàn toàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 157,6-341,8 mm (Lượng mưa lớn nhất tại Sơn Xuân, Sơn Hòa: 341,8 mm).
Thiệt hại về nhà ở có tám nhà, trong đó bị sập, hư hỏng và tốc mái. Một số công trình tường rào của nhà dân và trường học bị ngã đổ, các địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại.
Mặt đường phát sinh một số vị trí sụp lún gây mất an toàn giao thông, riêng QL19C nước ngập mặt đường 0,8 m, tắt giao thông (đoạn qua xã Xuân Long, Đồng Xuân). Một số tuyến như ĐT.641, ĐT.642, ĐT.643, ĐT.650 một số điểm mặt đường bị ngập từ 0,3-1,0 m gây ách tắc giao thông,
Sạt lở đất đá mái ta-luy bồi lấp rãnh dọc và mặt đường, khối lượng: 75 m3, chiều dài 100 m, ngành giao thông đang thống kê thiệt hại.
Về đường sắt, tại Km 1217+500 thuộc xã Hòa Xuân Đông, thị xã Đông Hòa đất đá sạt lở xuống đường sắt với khối lượng: 15 m3 đất đá, đơn vị quản lý đường sắt đã tổ chức khắc phục, hiện khu vực trên đã thông tuyến.
Hiện Sở Giao thông vận tải đang tổ chức khơi thông hệ thống thoát nước; phối hợp các địa phương ứng trực, rào chắn, cắm biển báo hiệu cấm các phương tiện qua lại tại các vị trí bị ngập lụt, tắc giao thông và tiếp tục tổng hợp các thiệt hại.
Tính đến 14 giờ 30 phút ngày 10-11 bão số 12 đã làm nghiêng, gãy đổ bảy cột điện, tổng số xã bị mất điện 68/110 xã. Công ty Điện lực Phú Yên đã có phương án ứng trực tại chỗ, khắc phục ngay các sự cố để cung cấp điện cho khách hàng.
Ông Thái Minh Châu, giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên cho biết, đến thời điểm hiện tại mưa, gió giảm bớt, các đơn vị đã tổ chức cử 35 nhóm công tác với 219 người và 24 phương tiện tiếp cận hiện trường thống kê và xử lý khôi phục sự cố, đã khôi phục được 551/1.640 trạm biến áp (62.540/196.988 khách hàng) mất điện do ảnh hưởng bão số 12.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 5787/UBND-KT ngày 10-11 về việc chủ động, khẩn trương triển khai công tác ứng phó, khắc phục với bão số 12 và mưa lũ sau bão yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể khẩn trương, chủ động phối hợp với địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, tại các vùng bị thiệt hại nặng; thống kê, báo cáo tình hình thiệt hại và công tác triển khai khắc phục hậu quả bão số 12 và mưa lũ.
Các lực lượng vũ trang trong tỉnh và các đơn vị khác đã ra quân hỗ trợ giúp đỡ người dân địa phương dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhà ở…để góp phần sớm ổn định đời sống nhân dân.
Ngành điện tổ chức kiểm tra và huy động các đội thi công dùng xe cẩu, xe tải và các phương tiện khác cùng hỗ trợ khắc phục sự cố mất điện để cấp điện bình thường trở lại cho nhân dân ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất.
Ngành giao thông chỉ đạo các đơn vị bảo trì đường bộ chủ động dọn dẹp cây xanh ngã đổ và thi công vá ổ gà mặt đường đảm bảo giao thông ngay sau khi bão tan.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cho biết, hoàn lưu bão gây mưa to ở một số khu vực, địa phương, trong khi đó xuất hiện bão số 13 áp sát Biển Đông.
Do đó, để chủ động triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 12 và mưa lũ sau bão kịp thời, hiệu quả, nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất xảy ra sau bão; kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”.
Xử lý kịp thời các tình huống sự cố phát sinh và khắc phục nhanh hậu quả bão, mưa lũ lụt xảy ra; Kiểm tra, rà soát các vùng trũng thấp dễ bị ngập lụt, chia cắt, khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực vùng đồi núi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao, kịp thời di dời sơ tán người dân đến nơi an toàn…
Bên cạnh đó, các địa phương ven biển hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản nhất là ở vùng cửa sông, tránh xảy ra sự cố đứt dây neo, trôi tàu thuyền dẫn tới những thiệt hại về người, phương tiện sau bão.
Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại tàu sản, hộ có người bị thương, thiệt hại về nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợlương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị đói, khát…