Hằng năm, cứ qua 23 tháng mười âm lịch là người dân Phú Yên bắt tay vào sản xuất vụ đông xuân. Nếu như trước đây, nông dân với con trâu, cây cày ì ạch cày xới từng luống đất một cách nặng nề, thì nay hàng nghìn chiếc máy cày chạy băng băng trên khắp cánh đồng. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ, việc làm đất hoàn toàn bằng máy giúp đất tơi hơn, bằng phẳng hơn, bảo đảm chất lượng sản xuất lúa ngay từ khâu xuống giống.
Tăng hiệu quả sản xuất
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa có 950 ha đất trồng lúa, trong đó gần 800 ha diện tích lúa hai vụ. Nếu như trước đây, nông dân phải mất rất nhiều thời gian để cày, xới đất, cắt lúa, gánh vác về… thì hiện nay, mọi công đoạn đều được cơ giới hóa. Toàn hợp tác xã có 75 máy cày; 55 máy gặt đập liên hợp bảo đảm phục vụ 100% trong khâu làm đất, thu hoạch cho nông dân.
“Khoảng ba năm nay, hợp tác xã đã thuê thiết bị bay không người lái để gieo sạ, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật… Đến nay, những thiết bị này được nông dân sử dụng rộng rãi trên địa bàn xã. Xã viên rất phấn khởi khi có nhiều máy móc hiện đại hỗ trợ sản xuất. Việc áp dụng cơ giới hóa đã giúp bảo vệ sức khỏe, đồng thời giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận 30-40%”. Ông Nguyễn Văn Nhân, xã viên hợp tác xã chia sẻ.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Phú Hòa, hiện khâu làm đất trong sản xuất ba loại cây trồng chính như lúa, sắn, mía đều áp dụng 100% cơ giới hóa. Tỷ lệ diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp 98%.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, về trồng trọt, Phú Yên có 6 cây trồng chính: lúa, bắp, mía, sắn, rau các loại và hoa cây cảnh. Chủ lực là cây lúa nước 2 vụ khoảng 24.562 ha, tập trung tại các huyện đồng bằng Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa, Tuy An; và 23.000 ha mía, được trồng tại ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh…
Những năm qua, tỉnh Phú Yên đã xây dựng nhiều dự án, mô hình và đưa vào áp dụng cơ giới hóa, tưới nước tiên tiến, tiết kiệm cho nông dân. Đáng chú ý là các mô hình: máy làm đất đa năng; máy phun 3 trong 1, xới đất, phát cỏ; công cụ gieo hạt cho cây trồng cạn; máy cuốn rơm cho cây lúa; máy tuốt hạt đậu phộng (lạc); tưới nhỏ giọt quấn gốc cho cây ăn quả, tưới nhỏ giọt theo hàng cho cây công nghiệp; tưới nước cho cây mía bằng biện pháp tưới phun mưa…
Đến năm 2023, toàn tỉnh Phú Yên đã sử dụng 224.505 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp đạt tỷ lệ từ 50-90%, tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng tưới nước tiên tiến, tiết kiệm đạt 37,82%, tương đương hơn 54.000 ha.
Việc tích cực đầu tư, hỗ trợ, ứng dụng cơ giới hóa, tưới nước tiên tiến, tiết kiệm vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực của tỉnh Phú Yên như lúa, mía và sắn đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và giảm bớt sức lao động của nông dân.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa
Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên cho biết, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Nông dân Phú Yên tham quan gian trưng bày các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. |
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh tích cực đầu tư, hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị và các địa phương tăng cường nghiên cứu, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trên những cây trồng chủ lực. Bước đầu, tỷ lệ cơ giới hóa đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, nâng cao đời sống, giải phóng sức lao động của người dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên, mức độ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa đồng bộ và phát triển toàn diện. Các mô hình tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, vận chuyển và thu hoạch ở một số cây trồng chính như lúa, ngô và lạc. Các khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cây công nghiệp như: mía, sắn, cà-phê và các khâu sấy, xay xát chế biến lúa gạo có mức độ cơ giới hóa còn rất thấp.
Trình độ của người dân trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất chưa đồng đều, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, thói quen, phần lớn chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng máy nên trong quá trình vận hành còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 14/3/2023 thực hiện Quyết định 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Mục tiêu của kế hoạch này là bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa.
Các giải pháp tỉnh Phú Yên về cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 là: Xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, trong đó tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; xây dựng các mô hình, dự án nhằm khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh; triển khai hiệu quả Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; xây dựng các mô hình thí điểm liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông sản chủ lực…