Bước chuyển mới sau sáp nhập
Cũng như nhiều địa phương khác, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Phú Thọ đã tập trung triển khai công tác sắp xếp các đơn vị hành chính huyện, xã giai đoạn 2019-2021. Theo đó, tỉnh đã tổ chức sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 huyện để thành lập mới 28 đơn vị; tổng số xã sau sắp xếp là 225, giảm 52 xã so với trước khi sáp nhập. Sau sáp nhập, toàn tỉnh dôi dư 912 cán bộ, công chức so với biên chế. Việc bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ nhằm ổn định tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở là bài toán khó cho địa phương.
Để triển khai, Tỉnh ủy đã chỉ đạo quyết liệt công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng trong toàn cán bộ, đảng viên và nhân dân, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do làm tốt khâu tuyên truyền cho nên hầu hết cán bộ, công chức tại các đơn vị diện sắp xếp, sáp nhập đều yên tâm, chấp hành nghiêm quyết định của tổ chức. Cùng đó, Tỉnh ủy Phú Thọ chỉ đạo các địa phương dừng đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý thuộc diện ban thường vụ huyện ủy quản lý; tạm dừng tiếp nhận cán bộ, công chức tại các xã, chủ tịch, phó chủ tịch MTTQ, trưởng phó các đoàn thể, các hội đặc thù và xây dựng phương án sắp xếp lại cán bộ, công chức trên toàn huyện, gắn với hoàn thiện danh mục, vị trí việc làm, lộ trình tinh giản biên chế. Nhằm tạo cơ chế khuyến khích, tỉnh ban hành các quy định, hướng dẫn chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức dôi dư như Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Tại các địa phương trong tỉnh, tùy tình hình thực tế, các cấp ủy, chính quyền chủ động, linh hoạt trong bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức sau sáp nhập một cách hợp lý, bảo đảm khách quan, công bằng. Huyện Hạ Hòa là địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ nhiều nhất tỉnh Phú Thọ mà còn nhiều nhất cả nước. Từ năm 2020, huyện đã thực hiện sáp nhập 19 xã để thành lập 6 xã mới. Tổng số cán bộ, công chức phải bố trí, sắp xếp là 345 người.
Để triển khai, trước khi tiến hành sáp nhập, huyện ủy Hạ Hòa chỉ đạo Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp Phòng Nội vụ rà soát trường hợp các đồng chí đủ điều kiện về hưu trước tuổi và các đồng chí có mong muốn xin nghỉ công tác vì lý do sức khỏe báo cáo cấp trên. Sau khi có ý kiến của các cấp có thẩm quyền, Huyện ủy tiến hành thủ tục, giải quyết các chế độ cho các đồng chí này nghỉ việc.
Bên cạnh đó, Huyện ủy gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng đồng chí còn lại để có phương án sắp xếp hài hòa. Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy Hạ Hòa, Nguyễn Đức Nhất chia sẻ: Nhiều đồng chí có năng lực nhưng xin được sắp xếp đảm đương công việc nhẹ nhàng hơn cũng được Thường vụ Huyện ủy xem xét, hay có trường hợp cán bộ, công chức xin thôi việc để ra ngoài làm cho các doanh nghiệp cũng được khuyến khích, tạo điều kiện tối đa. Với cách làm này, đã có 84 cán bộ, công chức xung phong xin nghỉ việc theo các quy định của Trung ương và tỉnh.
Với đội ngũ còn lại, Huyện ủy dành nhiều thời gian để đánh giá trình độ, năng lực, ưu và khuyết điểm của từng đồng chí để ưu tiên lựa chọn những đồng chí có năng lực tốt nhất bố trí vào các chức danh lãnh đạo, chủ chốt cho các xã mới sáp nhập. Các bước tiến hành từ đánh giá đến lựa chọn, bố trí, sắp xếp đều công khai, minh bạch theo đúng quy định. Vì vậy, đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tất cả các xã mới đều tiêu biểu và được sự ủng hộ, nhất trí cao của cán bộ, nhân dân trên địa bàn.
Sau khi bố trí đủ các chức danh, huyện vẫn còn 94 cán bộ dôi dư so với biên chế. Hiện các đồng chí này được bố trí như sau. Với các đồng chí đã ở cương vị cán bộ lãnh đạo quản lý xã, có năng lực tốt sẽ được Huyện ủy phân công làm tổ trưởng văn phòng một cửa, tư pháp, văn hóa xã…
Các công chức dôi dư sẽ làm việc trực tiếp qua sự lãnh đạo, đôn đốc của từng đồng chí tổ trưởng theo chuyên môn. Ngoài ra huyện Hạ Hòa còn bố trí một số đồng chí cán bộ, công chức dôi dư tăng cường lên các phòng, ban thuộc cơ quan khối huyện theo chuyên môn để vừa giảm số lượng tập trung tại xã, vừa để đào tạo trực tiếp qua công việc với quy trình 3 năm lại đảo các đồng chí khác. Giải pháp đã góp phần ổn định tổ chức, tâm lý của đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu tình hình. Cùng với Hạ Hòa, nhiều địa phương khác của tỉnh Phú Thọ cũng có nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt trong bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ cơ sở khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã. Qua đánh giá 9 tháng năm 2023 của tỉnh Phú Thọ, đội ngũ cán bộ, công chức tại các xã sau sắp xếp, sáp nhập đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của tỉnh.
Đổi mới tư duy dám nghĩ, dám làm
Cùng với bố trí, sắp xếp, Tỉnh ủy Phú Thọ còn quan tâm triển khai nghiêm túc công tác điều động, luân chuyển cán bộ, chú trọng đối với đội ngũ cán bộ cơ sở. Với phương châm giao rõ việc, rõ trách nhiệm, đội ngũ cán bộ được luân chuyển, điều động tại cơ sở đang từng bước thay tư duy, phương pháp lãnh đạo theo hướng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Là huyện tiêu biểu của Phú Thọ trong công tác luân chuyển cán bộ, từ năm 2020 đến nay, Cẩm Khê đã điều động, luân chuyển 5 cán bộ huyện về cơ sở giữ các chức vụ bí thư đảng ủy, bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã; phó Chủ tịch UBND xã. Tại các xã, huyện cũng điều động, luân chuyển ngang 20 đồng chí cán bộ lãnh đạo quản lý đảm trách các chức vụ: Bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, phó bí thư thường trực đảng ủy, phó chủ tịch UBND. Hầu hết những cán bộ được luân chuyển đều phát huy năng lực, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đầu năm 2020, đồng chí Nguyễn Hữu Mừng, Huyện ủy viên, Chánh Thanh tra huyện Cẩm Khê được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngô Xá. Đây là một trong những đảng bộ cơ sở yếu kém, nhiều năm không đạt trong sạch, vững mạnh vì để mất đoàn kết nội bộ, dẫn đến nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra không hoàn thành. Ngay khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Hữu Mừng đã cùng Ban Thường vụ Đảng ủy xã Ngô Xá nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, tìm nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp khắc phục. Cùng đó, đồng chí bàn bạc với tập thể lãnh đạo xã xây dựng quy chế làm việc của Đảng ủy, UBND xã, xác định rõ nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn tập thể, cá nhân, mối quan hệ công tác…
Thông qua nhận xét, đánh giá của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, đồng chí tham mưu, đề xuất bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, kiên quyết loại bỏ những nhân tố gây mất đoàn kết. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Khê Bùi Xuân Vĩnh cho biết, sau một năm triển khai quyết liệt các giải pháp xây dựng, chỉnh đốn đảng, Đảng bộ xã Ngô Xá đã vươn lên đạt trong sạch, vững mạnh. Nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đảng bộ đề ra trong phát triển kinh tế-xã hội cũng hoàn thành xuất sắc.
Tại huyện Hạ Hòa, nhiều cán bộ được điều động, luân chuyển tại cơ sở cũng phát huy tốt năng lực, trong đó có đội ngũ cán bộ luân chuyển ngang (từ xã nọ sang xã kia). Năm 2020, đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương được luân chuyển sang xã Bằng Giã. Xã Hiền Lương là xã mạnh được công nhận nông thôn mới từ năm 2018, trong khi xã Bằng Giã mới đạt 15/19 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí khó như xây dựng đường giao thông ngõ, xóm, các công trình công cộng.
Với kinh nghiệm lãnh đạo và phương pháp làm việc trách nhiệm, đồng chí cùng đảng ủy tập trung nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân góp sức, góp công để đạt cả bốn tiêu chí còn lại. Sau hơn 2 năm, tháng 4/2022, Bằng Giã đã chính thức đón nhận chứng nhận nông thôn mới. Việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo ở các xã đã hoàn thành nông thôn mới sang các xã đang triển khai là cách làm hiệu quả tại Hạ Hòa. Không chỉ phát huy kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới mà còn tạo nhiều chuyển biến trong tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Phú Thọ đã tiến hành luân chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã 25 đồng chí; từ cấp xã lên cấp huyện 9 đồng chí; từ xã này sang xã khác 53 đồng chí. Khảo sát thực tiễn cho thấy công tác luân chuyển đã tạo được động lực mới cho cán bộ phấn đấu, chống tư tưởng trì trệ, khép kín trong tổ chức thực hiện công việc, nhất là ở cơ sở. Đồng chí Bùi Đình Thi, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết thêm, qua điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương góp phần bảo đảm công tác cán bộ ở cơ sở được khách quan, dân chủ hơn; phát huy được năng lực, sở trường công tác của cán bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền. Nơi có cán bộ chủ chốt được điều động, luân chuyển đến không phải là người địa phương đã tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp xã; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; gắn với công tác quy hoạch cán bộ góp phần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo nguồn cán bộ kế cận lâu dài cho huyện.
Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính huyện, xã giai đoạn 2023-2025 với một số lượng khá lớn các đơn vị, xã, phường, thị trấn tiếp tục được sáp nhập. Nhiệm vụ mới đặt ra nhiều áp lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Từ kinh nghiệm thực tiễn nửa nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Phú Thọ xác định sẽ tiếp tục phát huy những bài học, cách làm trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thời gian qua. Cùng đó, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ, phát huy tối đa năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở, coi đây là những giải pháp mang tính trọng tâm, đột phá nhằm góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu Đảng bộ tỉnh đề ra, phấn đấu đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía bắc.