Phú Thọ đổi mới cách thức xúc tiến đầu tư để thu hút vốn FDI

Trong những năm gần đây, thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh Phú Thọ tăng nhanh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2018, tỉnh phấn đấu thu hút vốn đăng ký đầu tư (gồm vốn FDI và đầu tư trong nước) từ 5.500 đến 6.000 tỷ đồng, tăng 10 đến 15% so với năm 2017; trong đó, chú trọng thu hút dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ.

Tỉnh đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng tâm, trọng điểm; ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt về ưu đãi, thu hút đầu tư; chú trọng cải cách hành chính, giảm các khâu trung gian, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững với phương châm “Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi”.

Nhiều thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Australia, New Zealand… đã được tỉnh chủ động xúc tiến thu hút đầu tư. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Phú Thọ đã đón và làm việc với hơn 30 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội. Chỉ riêng từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh đã thu hút được năm dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 14,5 triệu USD. Một số dự án đang được triển khai xây dựng, hoàn thiện và chuẩn bị đi vào hoạt động, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, Phú Thọ vẫn còn những khó khăn, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư như: kết nối giao thông chưa thuận tiện; hạ tầng đô thị, nhất là khu, cụm công nghiệp còn yếu kém, chưa đồng bộ; quỹ đất sạch để đầu tư hạn chế. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, công nhân kỹ thuật lành nghề cho nên khó thu hút các dự án đầu tư lớn có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách hoặc dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư qua nhiều hình thức, tăng cường hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy triển khai các dự án nhanh chóng; khuyến khích các dự án đã đầu tư có hiệu quả mở rộng quy mô, công suất đầu tư. Tỉnh cũng chú trọng tiếp cận quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến hiện đại, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sản phẩm có tính cạnh tranh, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

★ Sơn La dồn sức cho các xã đăng ký về đích nông thôn mới

Sau bảy năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, có 50% số xã đạt 10 tiêu chí trở lên về đích nông thôn mới, có 35 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2018, toàn tỉnh có 10 xã ký cam kết với UBND tỉnh về đích nông thôn mới. Ðến thời điểm này, các xã đã đạt từ 15 đến 17 tiêu chí; nhìn chung đều đang gặp khó khăn trong thực hiện các tiêu chí về môi trường, an toàn thực phẩm, thu nhập, giao thông, trường học... Hiện, các địa phương đang rà soát lại những tiêu chí, đồng thời huy động tối đa nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các tiêu chí còn lại, bảo đảm về đích đúng kế hoạch.

Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiến hành thẩm tra, thẩm định đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí; xây dựng kế hoạch hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Tỉnh ưu tiên dành vốn ngân sách Trung ương và tỉnh để hỗ trợ các địa phương thực hiện chương trình bê-tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa thôn, xã, trường học, cơ sở y tế. Ðồng thời, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ các xã hoàn thành những tiêu chí theo quy định.

Ðến thời điểm này, UBND tỉnh đã phân bổ 355,2 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các huyện, thành phố và các sở, ngành để thực hiện chương trình. Toàn tỉnh đã thi công 324 công trình chuyển tiếp và công trình khởi công mới; cứng hóa 437 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 69,9 km; trồng mới 2.243 ha cây ăn quả... Các địa phương cũng đồng loạt triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động nhân dân đưa gia súc ra khỏi gầm sàn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội khảo sát nhu cầu, giải ngân vốn vay xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; vận động các hộ gia đình xử lý chất thải chăn nuôi bằng phương pháp ủ phân hữu cơ, hạn chế ô nhiễm môi trường.