Phú Quý “gồng mình” đón khách du lịch

Thời gian qua, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đón nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do du lịch phát triển nóng, các loại hình lưu trú, vui chơi mọc lên ồ ạt, trong khi kết cấu hạ tầng phát triển chưa tương xứng, dẫn đến tình trạng thiếu điện, nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường trên đảo.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách chèo sup tại vùng biển Phú Quý.
Du khách chèo sup tại vùng biển Phú Quý.

Từ khi đường cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết được đưa vào hoạt động, rút ngắn thời gian đi từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Phan Thiết, nhiều du khách đã lựa chọn du lịch đảo Phú Quý. Bên cạnh đó, thời gian đi tàu cao tốc từ đất liền ra đảo Phú Quý chỉ còn khoảng ba tiếng, cho nên số du khách ra đảo ngày càng đông, khiến đảo bị quá tải.

Quá tải rác, nước

Từ cuối tháng 4, các tàu cao tốc từ thành phố Phan Thiết đi đảo Phú Quý xuất bến, trung bình mỗi tàu chở khoảng 300 hành khách. Vào ngày thường, khoảng 6-7 lượt tàu từ đất liền ra đảo và ngược lại; ngày cuối tuần số chuyến tàu tăng lên. Trung bình mỗi ngày, đảo Phú Quý sẽ đón khoảng 1.000 người. Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, mỗi ngày có 15-16 lượt tàu đi ra đảo và ngược lại. Trên những chuyến tàu, du khách mang theo hành lý lỉnh kỉnh, kèm theo nhiều rác thải nhựa. Ngay trên đảo, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống cũng tăng công suất theo nhu cầu của du khách. Từ đó, rác thải nhựa càng nhiều, tạo áp lực cho đảo.

Theo nhiều người dân, nước sinh hoạt trên đảo phụ thuộc vào hồ chứa nước mưa và nước giếng khoan. Nguồn nước ngầm chỉ được khai thác theo “đúng định mức” nhằm tránh sạt lở. Các khách sạn, homestay “mọc lên” tranh thủ trữ nước, cho nên nhiều hộ dân thiếu nước. Nước trên đảo chỉ cung cấp ban ngày. Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của du khách tăng cao… Điều này đồng nghĩa với việc giảm lượng nước sinh hoạt của người dân địa phương. Đáng chú ý là số lượng homestay trên đảo từ chín cơ sở vào năm 2019 thì đến năm 2024 có hơn 100 cơ sở. Một số homestay được cơi nới, tăng diện tích, tăng số tầng hoặc xây thêm phòng. Nhiều quán cà-phê mọc lên sát đường biển, gây mất mỹ quan đô thị.

Các loại hình vui chơi như chèo sup, lặn, ngắm san hô… ngay cạnh khu vực nuôi trồng thủy, hải sản, nhà hàng trên bè nổi. Nhiều thuyền chở du khách ra nhà hàng trên bè cũng quá tải. Theo quy định, thuyền này chỉ chở tám người, nhưng có khi chở 10-12 người. Những nhà hàng trên bè được làm bằng gỗ, nhưng rất đông du khách ngồi ăn. Nhiều du khách vứt trái cây, thức ăn thừa, túi ni-lông xuống biển. Theo một người nuôi thủy, hải sản trên bè, trước kia, khu vực này chỉ có nhà lồng nuôi thủy, hải sản và rất ít xảy ra tình trạng thủy, hải sản chết.

Từ ngày du lịch phát triển, nhà hàng trên bè mọc lên. Nhiều đơn vị mở thêm nhà bè để cho du khách lặn, ngắm san hô. Cho nên, san hô cũng bị chết dần do du khách lặn xuống nhổ lên hoặc giẫm đạp. Chỉ Bãi Cạn nhỏ mà một bên là nhà hàng; một bên là nhà lồng nuôi thủy, hải sản; một bên là du khách lặn ngắm san hô. Tuy nhiên, không hiểu sao du khách có thể tắm, lặn khu vực này. Nhiều người dân góp ý, từ khi đảo có nhiều khách du lịch, kinh tế của người dân trên đảo khấm khá hơn, nhưng Nhà nước cần có quy hoạch để hài hòa lợi ích, bảo đảm môi trường sinh thái.

Trong chuyến khảo sát mở tour du lịch tại Phú Quý, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc một công ty du lịch tại Hà Nội nhận định, đảo có những nét đẹp hoang sơ nhưng phát triển chưa bền vững, không được quy hoạch bài bản. Các khách sạn, homestay mọc lên ồ ạt, nhưng lại không đáp ứng đủ cho những đoàn khách đông. Các dịch vụ ăn uống chưa bảo đảm chỗ ngồi, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các tour qua đảo Hòn Đen, Hòn Tranh đi bằng thuyền mà không có sự kiểm soát từ chính quyền địa phương, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố cho du khách trong lúc di chuyển.

Cần có giải pháp căn cơ

Huyện Phú Quý được phê duyệt quy hoạch đến năm 2030 trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển; từng bước xây dựng thành khu du lịch theo hướng xanh, bền vững. Ông Ngô Tấn Lực, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý cho biết: Năm 2023, Phú Quý đón hơn 165 nghìn lượt khách, tăng cao so với kế hoạch. Trong quý I/2024, Phú Quý đón hơn 23 nghìn lượt khách, trong đó có hơn 900 lượt khách quốc tế.

Cũng trong vài năm qua, số cơ sở lưu trú tăng nhanh; hiện có khoảng 60 khách sạn, nhà nghỉ và 120 homestay. Dịch vụ ăn uống cũng tăng công suất. Hiện nay, trên đảo có khoảng 30 nghìn người dân, trung bình mỗi ngày đón khoảng 1.000 du khách ra đảo. Áp lực lớn nhất của đảo là nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường. Do đó, Ủy ban nhân dân huyện thường xuyên tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường và sử dụng tiết kiệm nước. Sắp tới, huyện sẽ rà soát cấp phép các địa điểm vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận, huyện Phú Quý có bảy công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng công suất thiết kế là 2.680m3/ngày, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước từ nhà máy đạt 70%. Trong đó, trung tâm quản lý, vận hành nhà máy nước Long Hải và nhà máy nước Ngũ Phụng với tổng công suất thiết kế 2.200m3/ngày.

Tuy nhiên, hai nhà máy này chỉ khai thác 15 giếng/19 giếng khoan với tổng lưu lượng khai thác khoảng 1.220m3/ngày đêm. Các giếng khoan còn lại chưa khai thác sử dụng do chưa có nguồn vốn để đầu tư, từ đó công suất cấp nước chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân. Thời gian qua, hai nhà máy phải điều tiết cấp nước luân phiên giữa các khu vực. Ngoài ra, 5 công trình cấp nước còn lại do tư nhân quản lý, khai thác cung cấp nước có công suất từ 60-180m3/ngày.

Theo ông Trần Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận, do biến đổi khí hậu nên các giếng khoan của nhà máy trên đảo Phú Quý có hiện tượng nhiễm mặn, hàm lượng nitrat cao, cho nên không thể khai thác hết công suất, trong khi nhu cầu nước sạch ngày càng tăng. Hiện nay, trung tâm có đề án khảo sát, đánh giá trữ lượng nguồn nước để khai thác nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt với lưu lượng xin khai thác 2.000m3/ngày đêm.

Để đầu tư, nâng cấp mở rộng, nâng công suất cấp nước, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chủ trương cho triển khai lập các dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống nước Ngũ Phụng và Long Hải; triển khai dự án trạm bơm cấp 1 và tuyến ống nước thô từ hai hồ chứa nước mặt về nhà máy nước Ngũ Phụng. Trung tâm đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao kế hoạch vốn năm 2024 để có cơ sở thực hiện mô hình xử lý nitrat cho nhà máy nước Ngũ Phụng. Dự án xây dựng các hồ chứa nước ngọt và nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước đang trong quá trình khảo sát vị trí nước ngầm, nhằm xây dựng bốn hồ tích trữ nước đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Về việc xử lý rác trên đảo, do Nhà máy xử lý và tái chế rác Phú Quý đang hoạt động mới được giao 7.000m2 đất trong tổng thể 2 ha nên chưa xây dựng được hết quy mô, công suất xử lý rác chưa đạt so với thiết kế. Bà Nguyễn Thị Tố Nữ, Phó Giám đốc Nhà máy xử lý rác Phú Quý cho biết, diện tích đất chưa bàn giao là vị trí bãi rác có trước khi xây dựng nhà máy. Bãi rác có khối lượng hàng trăm nghìn tấn. Nhà máy đang chờ tỉnh thông qua đơn giá xử lý rác tồn đọng này.

Ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Điện lực Phú Quý cho biết, được sự hỗ trợ của ngành điện và địa phương, năm 2023, đơn vị bảo đảm nguồn điện phục vụ chính trị, kinh tế, xã hội. Từ khi du lịch phát triển, công suất sản lượng điện năm 2023 tăng hơn 17% so với năm 2022.

Hiện nay, Phú Quý sử dụng lưới điện độc lập chạy bằng dầu diesel, điện gió, cho nên chi phí giá thành cao. Nhằm bảo đảm đời sống người dân, ngành điện phải đang bù lỗ để giá điện trên đảo cũng bằng giá điện trên đất liền. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm. Hiện nay, nhiều nhà trên đảo cũng không lắp năng lượng mặt trời vì dễ hư hỏng vào mùa mưa bão.