Trong gia tài vài trăm ca khúc mà nhạc sĩ Phú Quang để lại cho đời, có một số lượng lớn các ca khúc được phổ từ thơ. Phú Quang đã viết nên những ca khúc từ lời thơ của rất nhiều thi sĩ nổi tiếng như Phan Vũ (Em ơi Hà Nội phố), Thanh Tùng (Hà Nội ngày trở về), Hữu Thỉnh (Biển nỗi nhớ và em), Nguyễn Khoa Điềm (Có một ngày), Giáng Vân (Đâu phải bởi mùa thu), Thảo Phương (Nỗi nhớ mùa đông), Chu Hoạch (Hà Nội và em khi thu chớm đông sang), Nguyễn Trọng Tạo (Một dại khờ một tôi), Hoàng Hưng (Trong miền ký ức), Thái Thăng Long (Mơ về nơi xa lắm)… Nhưng có một thi sĩ dường như có duyên hơn cả về số lượng thơ được phổ, nhiều hơn hẳn những người khác, đó là thi sĩ Hồng Thanh Quang.
1. Bài thơ đầu tiên của Hồng Thanh Quang được Phú Quang phổ nhạc là Khúc mùa thu, bài thơ lần đầu được đăng trên tờ Hà Nội mới cuối tuần năm 1994. Nhạc sĩ Phú Quang từ TP Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội đã đọc được bài thơ trên tờ báo ấy. Một giai điệu bỗng ùa về để bản nhạc nhanh chóng hoàn thành. Lời bài thơ hầu như được giữ nguyên đến hơn 90%, chỉ có hai thay đổi nhỏ: điệp thêm một lần cụm từ “đã yêu” trong câu hát: “Tôi đã yêu đã yêu như chết là hạnh phúc” và đổi chữ “mãi” thành chữ “nỗi” trong câu “Nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời”.
Hơn một phần tư thế kỷ trôi qua đã chứng tỏ sức sống và sự quyến rũ đặc biệt của ca khúc. Từ người đầu tiên trình diễn Khúc mùa thu trên sân khấu là NSND Lê Dung, rất nhiều ca sĩ khác trong làng biểu diễn đã thể hiện lại ca khúc này như: Ngọc Tân, Quang Lý, Ngọc Anh. Khúc mùa thu có thể xem là một trong những bài thơ tình tiêu biểu cho phong cách Hồng Thanh Quang với cảm xúc nồng nàn, mãnh liệt, đắm say, bao giờ cũng có đủ sự tương phản giữa hai cung bậc ngọt ngào và xa xót. Có lẽ những đồng cảm giữa nhạc sĩ và thi sĩ đã khiến cho tác phẩm từ thơ đến nhạc được hình thành một cách nhanh chóng, vừa giữ được hồn cốt của bài thơ, vừa chắp cánh cho thi phẩm có một đời sống mới.
Trong một lần gần đây trả lời phỏng vấn báo chí, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã tâm sự rằng, giữa nhạc sĩ Phú Quang và anh, bên cạnh tình cảm thân thiết quý mến, đây đó có cả những hiểu lầm, còn có cả những nỗi xót xa chung. Hai người đàn ông đều đa tình và đa đoan. Khúc mùa thu có thể nói giống như một định mệnh với nhạc sĩ, thi sĩ và với cả người đầu tiên thể hiện ca khúc ấy: ca sĩ Lê Dung. Trong tất cả những lần hội ngộ với nhạc sĩ Phú Quang hay nhà thơ Hồng Thanh Quang, tôi vẫn thường ôm đàn hát lên ca khúc này giữa anh em bè bạn: Tôi đã yêu đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em/ Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc/ Còn điều chi em mải miết đi tìm.
Trước giờ khai mạc chương trình giới thiệu bộ sách thơ "Nỗi buồn tốc ký" và những ca khúc phổ thơ Hồng Thanh Quang tại Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh chụp năm 2013).
2. Lương duyên về tình khúc giữa nhạc sĩ Phú Quang và thi sĩ Hồng Thanh Quang chưa dừng lại ở đó. Bài thơ tình thứ hai được Phú Quang phổ nhạc và thành công cũng không kém Khúc mùa thu, đó là bài Tình khúc được phổ thành ca khúc mang tên Romance số 4. Bài thơ gốc gồm 28 câu đã được Phú Quang cô đọng lại trong lời ca gồm 16 câu, trong đó giữ được những câu thơ hay nhất, đẹp nhất của nguyên tác: Nửa vầng trăng vỡ rụng giữa đời/ Anh không nghĩ rồi em lại đến/ Cũng không tin qua bão giông nắng lửa/ Anh cuối cùng còn lại mình em/Sao gặp gỡ để một lần em hát/ Khúc ly ca bao ước vọng không thành/ Sao gặp gỡ để một lần em khóc/ Nỗi cô đơn suốt tuổi xuân mình/ Giờ thì không ai ngăn được nữa/ Ngọn lửa bùng lên thiêu đốt niềm khát khao/ Giờ thì không ai ngăn được nữa/ Những buồn vui xưa giờ hóa tro tàn/ Ta sống lại thuở vầng trăng thơ bé/ Run rẩy bên nhau tin sẽ có ngày mai/ Em rạng rỡ giữa vòng tay ghì xiết/ Ngực anh sao rát bỏng đầm đìa.
Nhà thơ Anh Ngọc đã từng có một lời bình rất hay về bài thơ Tình khúc. Ông nói rằng, tình yêu đôi lứa trong bài thơ này của Hồng Thanh Quang, cũng như hầu hết các bài thơ khác, luôn là một thứ tình yêu không đơn giản, dễ dàng, luôn có sự bất thường. Nó phải vượt qua rất nhiều trắc trở khó khăn để có được hạnh phúc. Thế nên tình yêu trong thơ Hồng Thanh Quang luôn có chút gì đau đớn, tái tê. Nhà thơ viết về tình yêu mà giống như viết về một đám cháy, một cơn hỏa hoạn.
Tôi cho rằng, nhạc sĩ Phú Quang đã chuyển tải được nguyên vẹn tinh thần này vào giai điệu của ca khúc với đầy đủ những thể hiện vừa cao trào da diết vừa khắc khoải lắng sâu. Ca sĩ Tấn Minh là người đã thể hiện rất thành công bài Romance số 4, sau này có thêm bản thu âm của ca sĩ Hằng Nga…
3. Bẵng đi nhiều năm, tôi không thấy nhạc sĩ Phú Quang phổ thêm một bài thơ tình nào của thi sĩ Hồng Thanh Quang. Nhưng vào khoảng năm 2009-2010, lần đầu tiên tôi bỗng được nghe ca khúc Mẹ, một ca khúc rất mới của nhạc sĩ Phú Quang thời điểm ấy: Mẹ là người đầu tiên/ Người đàn bà mãi mãi/ Không bao giờ phản bội/ Ngay cả khi con ngu dại một đời/ Còn mãi với con lời ru ngày xưa ấy/ Còn mãi với con vòng tay mẹ âu yếm…/Bây giờ mỏi cánh phiêu du, con tìm về chốn cũ/ Bây giờ mẹ đã khuất xa, chỉ còn gặp trong giấc mơ/ Để từng chiều lại nghe lòng cồn cào thương nhớ/ Con gọi thầm mẹ ơi, mẹ ơi.
Nguyên bản bài thơ Mẹ của Hồng Thanh Quang là một bài thơ tự do với mười dòng thơ. Nhạc sĩ Phú Quang đã chớp lấy cái hồn, cái tứ của thi phẩm nằm trong những câu thơ mở đầu để làm nên câu chủ đề cho toàn bộ ca khúc: Người đàn bà đầu tiên/ Người đàn bà sau cuối/ Không bao giờ phản bội/ Ngay cả nếu ta bao lần ngu dại vì ai. Phú Quang tiếp tục phát triển thêm phần ca từ để tạo thêm độ sâu lắng mềm mại và nỗi niềm hoài niệm như chúng ta đã biết. Còn nửa sau của nguyên tác bài thơ thì không được đưa vào ca từ: Còn mãi với ta chăng mơ ước một ban mai/ Uống giọt nước mắt đêm - giọt sương vương trên cỏ/ Ta lại một lần thành bé nhỏ/ Trong vòng tay mẹ trẻ trung?
Theo cảm nhận của tôi, hai bài hát về mẹ hay nhất trong nhạc Việt khoảng hơn 10 năm trở lại đây, phải kể đến bài Mẹ của Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang và bài Mẹ của nhạc sĩ Trần Tiến. Như vậy, sự đồng điệu trong cảm xúc, rung động của nhạc sĩ Phú Quang và thi sĩ Hồng Thanh Quang không chỉ nằm ở chủ đề thơ tình, hai tác giả đã làm nên một ca khúc hay nữa dành tặng những người mẹ kính yêu.
4. Từ sau bài Mẹ phổ thơ Hồng Thanh Quang, tôi ít thấy nhạc sĩ Phú Quang công bố những ca khúc mới. Nhưng trong đêm nhạc Phú Quang tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2017, chính nhạc sĩ tự đệm piano và hát ca khúc Sẽ một mình thôi, là sự kết hợp từ hai bài thơ của thi sĩ Hồng Thanh Quang: Bài lục bát Sẽ một mình thôi và bài Đấy có phải biển không. Theo ca sĩ Khánh Ly, đây là một trong những ca khúc cuối cùng mà Phú Quang đã viết: Một mình sẽ một mình thôi/ Tìm câu ca cũ hát chơi một mình/ Một mình sẽ một mình thôi/Khi buồn lại hát những lời xót xa/ Có phải biển không mà con sóng trào nỗi buồn rưng rưng bờ mi/ Có phải biển không mà tôi khóc, dã tràng ơi còn đâu cát mà se.
Bài hát thật ngắn mà thấm thía, rưng rưng. Không phải hát về tình yêu đôi lứa mà hát về nỗi cô đơn bất tận. Nỗi cô đơn như một định mệnh của người nghệ sĩ. Có phải ai rồi cũng trở về với nỗi cô đơn. Người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo của mình, càng có nhiều nỗi cô đơn như thế. Nguyên tác bài thơ gồm 12 câu lục bát, Phú Quang chỉ dùng một cặp lục bát để tạo nên một câu chủ đề và một cảm hứng xuyên suốt ca khúc: Một mình sẽ một mình thôi/ Tìm câu ca cũ hát chơi một mình.
Như vậy, nhạc sĩ Phú Quang và thi sĩ Hồng Thanh Quang đã đồng hành với nhau trong 4 ca khúc hay, như những món quà tinh thần vô giá gửi tới những người yêu nhạc. Hai anh cũng đồng thời là những người bạn, người anh em thân quý trong cuộc đời. Nhạc sĩ Phú Quang giờ đã đi xa, nhưng những tác phẩm âm nhạc của anh nói chung, những bản phổ thơ của anh nói riêng, trong đó có những bài phổ thơ Hồng Thanh Quang, tôi tin chắc sẽ còn sống mãi.
Nhạc sĩ Phú Quang qua đời ở tuổi 72 / Nhạc sĩ Phú Quang và “Những nẻo đường anh đã đi qua”