Phụ nữ và cơ hội học tập

NDO - Phụ nữ trong xã hội thời nào cũng phải hứng chịu thiệt thòi nhiều hơn nam giới.  Ðể bớt đi sự chênh lệch đó, cách hiệu quả nhất là tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận giáo dục nhiều hơn. Tuần lễ toàn cầu hành động Giáo dục cho mọi người, TỔ CHỨC Ở Việt Nam năm nay chọn chủ đề: "Giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái thiệt thòi".

Phụ nữ và bé gái nghèo ít có cơ hội học tập

Trong số 880 triệu người mù chữ trên thế giới thì phụ nữ chiếm đến hai phần ba; trong số 130 triệu trẻ em không được đến trường tiểu học thì có tới 60% là trẻ em gái. Phần lớn số người thiệt thòi trên sống ở các quốc gia nghèo đói. Số liệu trên được Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Giáo dục vì sự Phát triển bền vững thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đưa ra trong một cuộc hội thảo về phụ nữ. Ðiều này cho thấy, ngay ở bậc giáo dục phổ thông, phụ nữ và bé gái đã ít có cơ hội được tiếp cận và hưởng thụ nền giáo dục, đặc biệt là lớp người nghèo và sống ở những vùng xa đô thị.

Chị Phùng Thị Hải ở Lương Tài, Bắc Ninh là một trong những phụ nữ tiêu biểu nhờ chịu khó học tập, mạnh dạn làm kinh tế để biến vùng đất trũng ở địa phương mình thành trang trại trù phú, cho lợi nhuận bạc tỷ mỗi năm. Vốn là phụ nữ nông thôn không được học hành, muốn thay đổi cuộc sống, chị Hải đã tự khăn gói  đi cả trăm cây số đến Viện Chăn nuôi để học tập kiến thức về chăn nuôi con giống. Bên cạnh việc nắm kiến thức cơ bản, chị Hải luôn quan tâm để tham gia các khóa tập huấn về làm kinh tế hộ gia đình, về kỹ thuật chăn nuôi...

Tuy nhiên, số phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn ít người có quyết tâm như chị Phùng Thị Hải. Phần lớn họ chấp nhận làm ăn theo kiểu manh mún, được - mất nhờ trời là chính. Chính vì thế, họ cần được tiếp cận giáo dục thông qua các hoạt động từ phong trào thi đua, các khóa tập huấn phổ biến kiến thức về mọi mặt, giới thiệu những tiến bộ của khoa học kỹ thuật áp dụng cụ thể vào đời sống... Ðiều này không chỉ giúp phụ nữ cải thiện và nâng cao điều kiện sống, chất lượng sống mà còn có những hiệu quả thiết thực về nhận thức và hiệu quả thu nhập cho bản thân phụ nữ và gia đình họ, thậm chí một cộng đồng.

Vẫn còn nhiều số phận phụ nữ và trẻ em gái bị đối xử bất công mà không biết cách tự bảo vệ mình. Vợ bị chồng hành hạ, đánh đập, con gái bị bố mẹ ép nghỉ học, ở nhà lấy chống... Ðằng sau những tệ nạn bạo lực gia đình còn có lý do sâu xa khác. Ðó là trình độ văn hóa thấp dẫn đến sự kém hiểu biết về quyền lợi của bản thân những người trong cuộc. Chẳng hạn, trong số những người bị bạo hành gia đình, nhiều người thậm chí còn nghĩ lỗi hoàn toàn do bản thân họ mà không hề biết rằng, họ chỉ là nạn nhân. Nhiều người trong số họ chỉ mong giải thoát khỏi người chồng, người cha, người anh bạo hành mà không cần biết người gây ra những đau đớn cho mình bị xử lý thế nào. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được thông qua từ năm 2007 nhưng hầu hết những người phụ nữ bị bạo hành vẫn không biết cách dùng luật để bảo vệ quyền lợi cho mình. Việc giáo dục và tìm hiểu pháp luật để người phụ nữ ý thức được về quyền lợi họ được hưởng cũng như những điều luật bảo vệ họ là vô cùng cần thiết nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.

Học để xây dựng hạnh phúc bền vững

Sau những đợt phát động phong trào giáo dục cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ, có nhiều câu chuyện, nhiều tấm gương phụ nữ đã bằng khối óc của mình, bằng sự học hỏi không ngừng cùng với nghị lực và lòng quyết tâm cao đã kiên cường vượt lên hoàn cảnh, vượt lên số phận để thay đổi cuộc sống của họ và gia đình con cái họ. Như cô giáo dù bị bạo bệnh vẫn ngày ngày dạy chữ cho lũ học trò nghèo, những mong truyền được kiến thức cho trẻ để thay đổi cuộc sống. Hay chuyện về những người phụ nữ có HIV đã vượt lên sự kỳ thị của xã hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân họ cũng như cộng đồng những người như họ. Tất cả những con người bình thường đó làm được điều phi thường bởi dù trong hoàn cảnh khó khăn, họ vẫn tự tin ở bản thân, tự tin với sự hiểu biết của mình để làm chủ cuộc sống.

Hiện nay, có nhiều khóa tập huấn tổ chức miễn phí cho phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức của họ về bình đẳng giới, về sức khỏe sinh sản, về quyền lợi phụ nữ, về an toàn vệ sinh thực phẩm, về xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình... Bên cạnh đó, những lớp dạy nghề với nhiều hình thức cũng phổ biến hơn: nấu ăn, dệt, may công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt,... phụ nữ sau khi tham gia lớp học đều được tạo điều kiện và cơ hội kiếm việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống. Kiến thức thu nhận được qua các khóa học không chỉ ở trong sách vở mà còn là sự trao đổi trực tiếp với chuyên gia, giao tiếp, học hỏi từ các thành viên trong lớp. Ðây cũng là môi trường tốt để chị em phụ nữ cập nhật những chuyển biến đang hằng ngày diễn ra ngoài xã hội, để lựa chọn cách giáo dục con cái phù hợp, không quá xa rời so với thực tế, hay giúp người phụ nữ có thể độc lập, chủ động về tài chính...

Mỗi ngày, có bao nhiêu trẻ vị thành niên phải nạo phá thai, không ai chắc chắn được, tuy đây vẫn là mối lo ngại của hầu hết bậc cha mẹ có con sắp và đang ở tuổi thành niên. Con gái chị Nguyễn Nhật Anh (Thanh Xuân - Hà Nội) đang học cuối cấp trung học cơ sở. Khi biết con mình có bạn trai, phút hoảng hốt ban đầu qua nhanh, nhưng tâm trạng lo lắng, bối rối thì theo chị mãi. Sau một khóa tập huấn về giáo dục giới tính cho con tuổi vị thành niên, qua trao đổi với các bậc cha mẹ và trực tiếp từ chuyên gia tư vấn, chị thấy tự tin hơn để gần gũi, chia sẻ để làm bạn của con. Giờ đây, con gái chị đã không ngại chia sẻ với chị những khó khăn, vui buồn của tuổi mới lớn. Chị suy nghĩ thoáng hơn: 'Cha mẹ không thể giữ gìn bảo bọc con mãi, càng không thể cấm con yêu. Chính vì thế, việc giáo dục con có những kiến thức cơ bản về giới tính, về sức khỏe sinh sản là rất cần thiết để con cái biết tự bảo vệ chính mình. Tôi nghĩ vai trò của mẹ đối với con gái ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết. Ðể bảo vệ con, giúp con tránh được những rủi ro, những sai lầm, người mẹ ngoài tình thương yêu, cũng rất cần phải có kiến thức, sự hiểu biết nhất định'. Chị Nhật Anh sau khóa học cũng tự nhận thấy có sự thay đổi trong cách tư duy. Họ sẽ nhìn nhận các vấn đề tổng quát hơn sau khi nhìn nhận, phân tích và đánh giá.

Ở Mỹ và nhiều nước phương Tây, có những trường đại học mở riêng cho phụ nữ chuyên dạy những kiến thức cùng những kỹ năng, nghề nghiệp chuyên biệt của phái nữ. Với người phụ nữ nội trợ thôi, để trổ tài nấu bữa ăn dinh dưỡng cho gia đình, học tập kiến thức nuôi con khỏe, dạy con ngoan, học để biết cách chi tiêu hợp lý... cũng cần có kiến thức và hiểu biết nhất định. Sự học hỏi đó không chỉ đem lại những lợi ích kinh tế, mà còn là yếu tố không thể thiếu để vun đắp một gia đình hạnh phúc bền vững.