Phụ nữ Tân Châu xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch"

Hưởng ứng phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới", thực hiện phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tân Châu (Tây Ninh) đã có nhiều mô hình hay, đóng góp tích cực vào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhiều chị em phụ nữ là người dân tộc thiểu số (DTTS) đã có những đóng góp cụ thể, thiết thực.

Một buổi sinh hoạt chuyên đề của chị em phụ nữ ấp Chăm, xã Suối Giây, huyện Tân Châu (Tây Ninh).
Một buổi sinh hoạt chuyên đề của chị em phụ nữ ấp Chăm, xã Suối Giây, huyện Tân Châu (Tây Ninh).

Để triển khai các phong trào thi đua, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Châu Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết: Hội đã xây dựng mô hình gia đình "5 không, 3 sạch" với rất nhiều hoạt động triển khai. "5 không" là: không đói nghèo; không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. "3 sạch" là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Ðể đưa các cuộc vận động này đến với chị em phụ nữ một cách thiết thực nhất, Hội LHPN huyện xây dựng các tiêu chí đánh giá, đồng thời triển khai thành lập các mô hình hoạt động tại các cấp cơ sở với nhiều hình thức tuyên truyền thông qua sinh hoạt tập thể, phát tờ rơi, tuyên truyền miệng. Cán bộ Hội cơ sở đến tận nhà hội viên để vận động, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm xây dựng các phong trào có ý nghĩa đối với cộng đồng. Tại những khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống, đối với những nội dung được triển khai cho các hội viên phụ nữ là người DTTS đều được các chị em hưởng ứng rất nhiệt tình. Ðiều này thể hiện qua những phần việc, công trình mà chị em phụ nữ tại địa phương triển khai trong suốt thời gian qua.

Chị Thị Pa Ti Má ở ấp Chăm, xã Suối Giây, dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng khi được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ đầu công (làm thuê) ấp Chăm, chị đã không từ chối. Chị Thị Pa Ti Má tâm sự: "Ngoài việc hỗ trợ các chị em trong ấp có công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định, chị em chúng tôi cũng muốn đóng góp công sức vào những hoạt động khác ngoài xã hội như: Tham gia giữ gìn an ninh trật tự, các hoạt động vui chơi, văn hóa giải trí cho chị em phụ nữ trong ấp...".

Ấp Tân Châu, xã Tân Phú hiện có hơn 60 hộ là đồng bào dân tộc Chăm và Khmer sinh sống. Phần lớn chị em đều có trình độ văn hóa thấp, thu nhập chủ yếu từ làm thuê, làm mướn, cho nên cuộc sống còn gặp nhiều thiếu thốn, khó khăn, số đông các chị còn có tâm lý e ngại tham gia sinh hoạt tập thể. Song với quyết tâm triển khai các mô hình thiết thực, Hội LHPN xã Tân Phú đã thành lập được hai câu lạc bộ "Nhà sạch, vườn đẹp" và "3 sạch" để chị em có sự gắn kết trong các hoạt động vì gia đình và vì cộng đồng. Vào những ngày cuối tuần, Hội huy động được hàng chục lượt chị em cùng dọn vệ sinh, phát quang ngõ xóm, thu dọn rác thải, phát tờ rơi tuyên truyền..., qua đó đã đẩy lùi được tình trạng rác thải ứ đọng, gây ô nhiễm trong khu vực dân cư. Ngoài ra, hội còn hỗ trợ các chị em trong công tác chăn nuôi gia cầm, triển khai công tác vệ sinh môi trường đến từng hộ dân.

Nhằm duy trì hoạt động một cách hiệu quả, các câu lạc bộ tổ chức họp mỗi tháng một lần để các hội viên cùng nghe tuyên truyền, thêm hiểu biết về các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường; về các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, "5 không, 3 sạch", thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm... Chị Thị Amina, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Chăm, xã Suối Giây cho biết: "Những mô hình hoạt động này hiện cũng được các chị em trong ấp hưởng ứng nhiệt tình. Qua thời gian, hiệu quả từ các mô hình, các cuộc tuyên truyền đã được nâng lên rõ rệt". Nhằm giúp chị em có việc làm ổn định, các đơn vị đã thành lập tổ đầu công vào đầu năm 2017. Ðến nay, tổ có hơn 30 thành viên thường xuyên có việc làm. Ngoài ra, ấp Chăm cũng thành lập tổ hỗ trợ hội viên mua thẻ bảo hiểm y tế giúp giảm bớt gánh nặng viện phí cho chị em khi không may phải đến bệnh viện.

Chúng tôi được các hội viên phụ nữ trong xã Suối Giây dẫn đi một vòng quanh các tổ, khu vực đồng bào các dân tộc đang sinh sống. Cảm nhận đầu tiên là sự sạch sẽ, thông thoáng trên từng con đường, tuyến hẻm và ngôi nhà tại nơi này. Bộ mặt nông thôn thay đổi, khác xa so với những năm trước đây. Tuy đời sống của người dân vẫn còn khó khăn, song nhờ những mô hình đang phát huy hiệu quả, đời sống tinh thần của bà con được cải thiện, đáng chú ý là vệ sinh môi trường sạch đẹp và đã được kiểm soát. Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Châu Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết: Những mô hình mà huyện, hội đã và đang triển khai không chỉ góp phần mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn, trong đó có đồng bào các DTTS sinh sống, mà còn thật sự giúp chị em tiếp cận nhiều thông tin, kiến thức, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, ứng xử góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thời gian tới, các cấp hội tại huyện Tân Châu sẽ tiếp tục hướng dẫn tổ chức các hoạt động ở vùng đồng bào DTTS, vận động số phụ nữ tham gia vào tổ chức hội, đồng thời có những đánh giá ban đầu để có hướng nhân rộng mô hình ra toàn huyện trong những năm tiếp theo. Với tinh thần quyết tâm cùng với sự năng động, sáng tạo, phụ nữ Tân Châu nói chung, các cấp Hội Phụ nữ nói riêng ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.