Mô hình "sống xanh" bắt đầu thí điểm năm 2010, từ một nhóm cộng đồng nhỏ thuộc phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng phối hợp cùng Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị Đà Nẵng triển khai. Bắt đầu từ việc tập huấn cho phụ nữ trong các nhóm "sống xanh" với sáu chủ đề: rác thải, nước, năng lượng, người tiêu dùng thông thái, ngôi nhà an toàn và sức khỏe. Sau đó, các chị được hướng dẫn trực tiếp cách phân loại rác thải, quy trình làm phân hữu cơ, cách trồng rau mầm trong thùng xốp, tiết kiệm điện, nước...
Chị Võ Thị Phượng, Chi hội Quang Thành 4A6 (phường Hòa Khánh Bắc) chia sẻ: "Từ bốn năm nay thực hiện dự án "sống xanh", các phụ nữ trong chi hội đều có rau sạch để ăn hằng ngày. Mọi người còn chia sẻ bí quyết cho các gia đình khác trong phường cách trồng rau sạch".
Thăm mô hình trồng cây và cung cấp giống cây xanh của chị Nguyễn Thị Hồng Nhạn ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến (Hòa Vang), là một trong những mô hình phát triển kinh tế vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Chị sử dụng tất cả những sản phẩm dư thừa chung quanh, như: nhân giống cây từ những cành cắt tỉa bỏ đi; tận dụng phế phẩm nấm để làm chất màu cho đất; dùng những bãi đất bỏ hoang chung quanh để làm chỗ gây giống... Với sự hỗ trợ vốn và kinh nghiệm ban đầu từ Hội phụ nữ xã Hòa Tiến, đến nay cơ sở do chị làm chủ đã tạo việc làm cho 10 lao động nữ nghèo với mức thu nhập từ hai đến bốn triệu đồng/tháng.
Từ chương trình này, các chi hội đã có những phương thức thực hiện khác nhau như, sử dụng các bãi đất hoang, đất trống, đất dự án chưa triển khai... Tiêu biểu là mô hình trồng rau sạch ở quận Cẩm Lệ. Qua đó, không chỉ cung cấp nguồn rau sạch cho gia đình mà còn tạo quang cảnh xanh mát, xanh sạch đẹp cho khu dân cư. Mô hình sử dụng giỏ nhựa đi chợ thay túi ni-lông của phụ nữ quận Sơn Trà... đều mang lại những hiệu quả tích cực. Chị Đặng Thị Tuyết ở thôn An Trạch, xã Hòa Tiến (Hòa Vang) đã trồng chuối để lấy lá gói thực phẩm như bánh, chả, nem... thay túi ni-lông.
"Tôi hiểu rõ tác hại của túi nilông, trồng chuối không chỉ cho lá sử dụng, lá dùng xong thì đốt lấy tro bón lại cho cây. Số lá không sử dụng hết vẫn có thể mang ra chợ bán, tôi còn có thêm thu nhập từ những buồng chuối". Chị Tuyết chia sẻ.
Không chỉ thực hiện "sống xanh", cùng với ý thức tham gia bảo vệ môi trường, các chi hội phụ nữ tại thành phố Đà Nẵng cũng thực hiện nhiều mô hình khác như: công sở xanh, chi hội xanh ở quận Liên Chiểu; mô hình "Sống xanh" tại Trường Skyline; xây dựng gia đình năm không, ba sạch; Công trình thi đua "trồng hoa và cây xanh vì thành phố bền vững về môi trường"..., các mô hình và công trình thi đua đã giúp các thành viên nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày như sử dụng giỏ nhựa đi chợ, ủ phân hữu cơ, trồng rau quanh nhà, tắt những bóng điện khi không sử dụng đến; phân loại rác thải tại hộ gia đình...
"Trong giai đoạn triển khai, chúng tôi rất vui mừng khi nhận được sự ủng hộ, đồng thuận từ tất cả các thành viên của hội. Từ những hành động nhỏ, đơn giản của hội viên phụ nữ sẽ tác động đến ý thức của mỗi người trong gia đình, đến bà con chung quanh. Mọi người đều mong muốn việc "sống xanh" không chỉ là một khẩu hiệu, mà đó là hành động cụ thể, đi sâu vào tiềm thức, thay đổi nhận thức của mỗi con người, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố xanh - sạch -đẹp" - Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đà Nẵng Hoàng Thị Thu Hương nhấn mạnh.