Phù Cừ xây dựng nông thôn mới nâng cao

Vốn là huyện thuần nông, những năm gần đây huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đã xây dựng nhiều chương trình, đề án ưu tiên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã khiến vùng chiêm trũng Phù Cừ có bước đi bứt phá... Trong quá trình này, hướng về cơ sở, giải quyết vấn đề từ cơ sở - phương châm trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ huyện, đã thật sự phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Trong xây dựng nông thôn mới, các xã của huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên luôn coi trọng công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường. (Ảnh: HẢI LONG)
Trong xây dựng nông thôn mới, các xã của huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên luôn coi trọng công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường. (Ảnh: HẢI LONG)

Vai trò “đầu kéo” từ cơ sở

Ba năm qua, Đảng bộ huyện Phù Cừ tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu đưa huyện Phù Cừ trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, huyện dồn sức phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, sản xuất hàng hóa tập trung gắn liền nâng cao đời sống người dân. Quá trình này, việc nâng cao vai trò, hiệu lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng được Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, với những kinh nghiệm đáng ghi nhận.

Năm 2020, huyện Phù Cừ được công nhận là huyện nông thôn mới với 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp: Trần Cao-Quang Hưng và Quán Đỏ, Đoàn Đào. Từ đó đặt ra mục tiêu, yêu cầu mới đối với các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Như nhiều địa phương trong huyện, xã Quang Hưng đang trong lộ trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều thách thức. Để bảo đảm lãnh đạo đồng bộ, hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy coi trọng đổi mới từ khâu nắm tình hình, đánh giá của các cơ quan chức năng huyện với xã. Năm 2022, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 480 tỷ đồng; giá trị thu trên 1ha đất canh tác đạt hơn 200 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng. Mới đây, đoàn công tác do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Đoàn về xã làm việc đã đánh giá đúng, trúng nguyên nhân kết quả công tác, đồng thời phân tích, chỉ ra những hạn chế, yếu kém mà tập thể Đảng ủy xã Quang Hưng cần khắc phục. Nổi bật là các giải pháp về cơ chế chính sách, việc giám sát chuyên đề; những vấn đề cần đổi mới về phong cách lãnh đạo của tập thể Đảng ủy xã để tạo động lực cho các mục tiêu phát triển…

Xã Nhật Quang đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020, từ đó xã tiếp tục bắt tay ngay triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trọng tâm này thể hiện rõ trong công tác lãnh đạo của từng cấp ủy, tổ chức đảng khu dân cư. Chi bộ thôn Quang Yên hiện có 86 đảng viên. Tại buổi sinh hoạt Chi bộ và trao đổi của từng đảng viên cho thấy, Chi bộ không chỉ duy trì nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng, mà từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, chi ủy, và mỗi đảng viên đã phát huy trách nhiệm trong từng nội dung, nhiệm vụ công tác. Theo đó, Chi bộ phát huy vai trò tham mưu, là “đầu kéo” về lãnh đạo, vận động sản xuất nông nghiệp, phát triển giao thông, xây dựng, vệ sinh môi trường ở thôn và xã; vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng quy hoạch. Đến nay, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã đã hoàn thành, xây dựng thành công mô hình thôn thông minh tại thôn Tân An.

Tam Đa là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, các tuyến đường thôn, ngõ xóm đều được lắp điện chiếu sáng. Bên cánh đồng lúa, những khu vườn cây ăn quả sai trĩu là những ngôi nhà khang trang, những con đường được trải bê-tông, rực rỡ sắc hoa. Theo chỉ đạo của Đảng ủy, các chi bộ đã xây dựng mô hình tự quản trong khu dân cư, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bà Nguyễn Thị Hiền, người dân xã Tam Đa chia sẻ: Việc lãnh đạo, triển khai xây dựng nông thôn mới ở xã đã tạo nên phong trào mạnh mẽ trong xây dựng quê hương, cải thiện đời sống người dân. Từ đó tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng tăng cường vai trò, uy tín trong nhân dân.

Thực tế ghi nhận, những năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở, cùng với sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện Phù Cừ có bước tiến nhanh, vững chắc. Với sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình nông thôn mới của toàn huyện đã đạt hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước chiếm 30%; cộng đồng dân cư đóng góp gần 60%... Nhân dân trong huyện còn hiến gần 60.000m2 đất ở, hơn 180ha đất ruộng, phá dỡ hơn 2.000m tường bao, công trình phụ và ủng hộ hàng chục nghìn ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội.

Đồng chí Bùi Thị Hoài Thanh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy trao đổi, thông qua chương trình, người dân tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phát triển mạnh. Các xã đều có đội văn nghệ quần chúng, thể dục, thể thao. Hiện, tỷ lệ làng văn hóa ở huyện đạt hơn 96%. Nhờ đó, diện mạo nông thôn Phù Cừ có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, tình hình an ninh chính trị được bảo đảm.

Mới đây, qua công tác kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhìn nhận, huyện Phù Cừ đã ban hành các chủ trương, nghị quyết chuyên đề tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của địa phương. Huyện chú trọng cụ thể hóa nhiều vấn đề sát với thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực; việc quán triệt, triển khai chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được đổi mới với các hình thức phù hợp.

Mô hình, bước đi đột phá

Thực tế ghi nhận, để xây dựng Phù Cừ phát triển nhanh và bền vững, Đảng bộ, chính quyền huyện luôn coi trọng sự chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Huyện tập trung lãnh đạo triển khai một số dự án trọng điểm, tổng mức đầu tư lớn, có tác động tích cực đến phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn huyện. Phù Cừ cũng có nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.

Những năm gần đây, huyện đã phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Huyện tập trung lãnh đạo quy hoạch và chuyển đổi cơ cấu sản xuất; trong huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Phù Cừ cũng được biết đến là vùng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, cây đặc sản có thương hiệu như vải trứng, cam, nhãn lồng, dưa lưới, cây có múi...; mô hình nông nghiệp đặc sản, hàng hóa hình thành, tập trung ở các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiến Tiến, Phan Sào Nam. Hiện toàn huyện có khoảng 900ha vải. Sản lượng vải thu hoạch năm nay ước tính hơn 9.500 tấn, sản lượng nhãn thu hoạch ước tính hơn 3.500 tấn.

Huyện đã phối hợp các sở, ngành của tỉnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản để mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ các hoạt động liên kết kết nối, các hoạt động chuỗi sự kiện xúc tiến tiêu thụ quả vải lai, nhãn đặc sản của huyện; thương hiệu cam của Hợp tác xã Nông nghiệp Ngũ Phúc; phát triển thương hiệu hai sản phẩm đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh... Gắn liền đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các dự án đầu tư, phát triển các nghề mới ở nông thôn.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Khả Phúc trao đổi, Phù Cừ đang dồn sức cho các mục tiêu tạo đột phá phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các cấp ủy, chính quyền toàn huyện coi trọng việc tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, củng cố sự đồng thuận xã hội cho quá trình phát triển của huyện.