Phú Bình chuyển mình là huyện nông thôn mới

Vốn là một huyện thuần nông, điểm xuất phát thấp, nhưng sau hơn mười năm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, vào cuộc của cả hệ thống chính trị; hỗ trợ của tỉnh; nỗ lực, bền bỉ phấn đấu vươn lên của toàn dân, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đạt chuẩn nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Bình được cơ giới hóa.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Bình được cơ giới hóa.

Phát huy nguồn lực trong dân

Cách đây không lâu, tuyến đường liên xóm Hòa Bình sang xóm Kha Nhi (nay là Mai Kha) thuộc xã Kha Sơn là đường đất, nhỏ hẹp, các phương tiện bốn bánh không thể đi lại được nên vận chuyển hàng hóa bị ách tắc. Được huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ xi-măng để xây dựng nông thôn mới, mỗi gia đình trong xóm Kha Nhi đóng góp hàng triệu đồng để mua sắt, sỏi đối ứng, cử nhân lực làm đường, đặc biệt các hộ có đất hai bên đường đồng lòng, tự nguyện hiến đất xây dựng nên tuyến đường bê-tông rộng gần ba mét.

Ông Nguyễn Văn Bình, cán bộ xóm Kha Nhi, vui mừng: “Khi tuyến đường bê-tông liên xóm được xây dựng, Kha Nhi thoát khỏi tình trạng cách biệt về giao thông, ô-tô đi lại thuận lợi, sản xuất phát triển, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, đến nay trong xóm cơ bản không còn hộ nghèo”.

Kha Sơn là vùng đất cách mạng, từng che chở, nuôi dấu nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi lại hoạt động trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Khi xây dựng nông thôn mới, phong trào trên địa bàn xã phát triển sâu rộng, người dân đóng góp hơn 118 tỷ đồng, chiếm 55,5 tổng số kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, từ một xã thuần nông, Kha Sơn trở thành xã nông thôn mới từ năm 2018.

Phú Bình chuyển mình là huyện nông thôn mới ảnh 1

Phong trào vệ sinh môi trường nông thôn phát triển sâu rộng.

Huyện Phú Bình xác định, xây dựng nông thôn mới là hướng tới mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, người dân là chủ thể thực hiện và là người được hưởng lợi trực tiếp, nhà nước giữ vai trò định hướng, hỗ trợ. Với quan điểm đó, những năm qua tinh thần, nội lực của người dân được phát huy cao độ trong xây dựng nông thôn mới, nhất là hạ tầng giao thông.

Cụ thể, năm 2011, tổng số km đường giao thông nông thôn được cứng hóa bê-tông, láng nhựa là 187,5/1.281km, chỉ chiếm 14,8%, nhưng đến tháng 12/2022, số km được cứng hóa bê-tông, láng nhựa là 1.087/1.261km, đạt tỷ lệ hơn 86%. Trong đó, các tuyến đường trục xã, liên xã được cứng hóa 100%, đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A, nền đường tối thiểu rộng 5m; tỷ lệ đường trục xóm được cứng hóa đạt tỷ lệ hơn 92%, nền đường rộng tối thiểu 4m; đường ngõ, xóm được cứng hóa đạt tỷ lệ 87,5%, mặt đường rộng tối thiểu 4m. Đạt được kết quả này, người dân đóng góp quy thành tiền là hơn 900 tỷ đồng.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Những năm vừa qua, với sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Thái Nguyên, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện, phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Phú Bình phát triển sâu, rộng, người dân đồng tình, tự giác thực hiện, ở tất cả các xóm, tổ dân phố, mở rộng đường đến đâu, người dân dỡ công trình, hàng cây, bờ rào ủng hộ đến đó.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình Nguyễn Thị Loan tâm đắc: “Khi nguồn lực được sử dụng hiệu quả, cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các xã, phòng, ban cùng chung tay với người dân xây dựng nông thôn mới; hệ thống chính trị vào cuộc bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; tư tưởng người dân thông suốt thì xây dựng nông thôn mới trên địa bàn diễn ra rất thuận lợi, không có khó khăn nào là không thể vượt qua”.

Phú Bình chuyển mình là huyện nông thôn mới ảnh 2

Huyện đang khẩn trương đầu tư tuyến đường liên kết với tỉnh Bắc Giang để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Sự vào cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn được phát huy cao độ, như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Hội phụ nữ huyện với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; Hội nông dân với các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo làm giầu chính đáng và nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; Đoàn thanh niên triển khai thực hiện phong trào “Thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới” ở từng xóm, thôn; làm sạch và duy trì môi trường tại kênh chính của huyện dài hơn 15km.

Bên cạnh chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường sống, huyện Phú Bình rất coi trọng tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Đến nay, Phú Bình đã có 56 hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất ra nhiều sản phẩm đặc thù, có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn OCOP ba, bốn sao, như: gà đồi, cao ngựa bạch, nhung hươu, trám đen, gạo nếp thầu dầu... được người tiêu dùng ưa chuộng.

Huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp đã và đang hình thành, giải quyết việc làm ổn định cho người dân trong độ tuổi lao động, qua đó góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động, hỗ trợ tích cực đối với tăng thu nhập bình quân đạt hơn 60 triệu đồng/người, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn huyện còn hơn 4%.

Sau khi thẩm định tất cả các tiêu chí, ngày 24/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 567/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Phú Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Như vậy, Phú Bình là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát huy những kết quả đã đạt được, hiện nay Phú Bình đang rà soát các tiêu chí, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực, trong đó nguồn lực từ nhân dân để xây dựng địa phương cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã trong thời gian tới.