Phòng, trừ bệnh khảm lá trên cây sắn

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện bệnh khảm lá trên cây sắn đã gây hại ở 21 tỉnh, thành phố với khoảng 64.280 ha sắn bị nhiễm bệnh. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nghiên cứu thành công một số giống sắn kháng bệnh khảm lá. Tuy nhiên, để kịp thời đưa các giống sắn này vào sản xuất đại trà, cần có giải pháp nhân rộng các giống sắn kháng bệnh.

Nhiều diện tích sắn của nông dân huyện Sông Hinh (Phú Yên) bị nhiễm bệnh khảm lá. Ảnh: VĂN THÙY
Nhiều diện tích sắn của nông dân huyện Sông Hinh (Phú Yên) bị nhiễm bệnh khảm lá. Ảnh: VĂN THÙY

Chậm tiêu hủy diện tích sắn nhiễm bệnh

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, bệnh khảm lá sắn xuất hiện lần đầu tiên ở Tây Ninh vào tháng 6-2017. Đến nay, bệnh lây lan ra 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích nhiễm 64.280 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía nam với diện tích nhiễm gần 43.000 ha. Tây Ninh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với gần 40.000 ha, Đồng Nai nhiễm gần 1.600 ha. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có gần 18.000 ha sắn nhiễm bệnh, trong đó Phú Yên có khoảng 11.000 ha, Quảng Ngãi gần 6.000 ha. Khu vực Bắc Trung Bộ hiện có 3.600 ha nhiễm bệnh, chủ yếu ở Nghệ An và Thừa Thiên Huế.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2021, địa phương dự kiến trồng gần 4.200 ha sắn, tính đến giữa tháng 3 đã trồng được hơn 3.000 ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có khoảng hơn 1.000 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, tập trung tại thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền và A Lưới; trong đó khoảng 710 ha diện tích sắn có tỷ lệ nhiễm bệnh hơn 70%. Tại các tỉnh phía bắc, Lào Cai và Hòa Bình từng xuất hiện bệnh khảm lá sắn. Cụ thể, một số doanh nghiệp ở các địa phương này mua giống sắn ở các tỉnh phía nam trồng thử nghiệm trước khi phân phối cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, các đơn vị này phát hiện cây sắn nhiễm bệnh, sau đó thông báo cho cơ quan chức năng và kịp thời tiêu hủy cho nên đã ngăn chặn được sự lây lan, khống chế được bệnh, đến nay chưa thấy bệnh khảm lá sắn tái phát.

Bệnh khảm lá sắn lây lan nhanh chủ yếu do trồng giống bị nhiễm bệnh. Khi ruộng sắn bị nhiễm bệnh nếu không tiêu hủy triệt để mà lại để giống trồng tiếp vụ sau thì bệnh sẽ lây lan rất nhanh. Về mặt kỹ thuật, để kiểm soát bệnh hoàn toàn không khó. Vấn đề then chốt là tiêu hủy nguồn bệnh và trồng giống sạch bệnh hoặc giống kháng bệnh. Tuy nhiên, theo phản ánh của Cục BVTV, công tác tiêu hủy sắn bị bệnh ở các địa phương diễn ra rất chậm. Nguyên nhân chính là chính quyền địa phương không có kinh phí để hỗ trợ tiêu hủy cũng như hỗ trợ giống sạch bệnh. Bên cạnh đó, theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì mức hỗ trợ với cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá là 3 triệu đồng/ha. Theo phản ánh của các địa phương, số tiền này không đủ để người dân mua giống mới, trong khi nếu tiếp tục canh tác các giống sắn nhiễm bệnh, người trồng sắn vẫn thu được hàng chục triệu đồng. Chính vì điều này mà ngay cả khi chính quyền địa phương công bố dịch bệnh thì người dân cũng không tổ chức tiêu hủy hay thay giống mới mà tiếp tục canh tác các giống sắn nhiễm bệnh.

Khẩn trương nhân rộng giống sắn kháng bệnh

Xác định để kiểm soát bệnh khảm lá sắn giải pháp bền vững nhất là phải sử dụng các giống kháng bệnh, thời gian qua Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo các viện nghiên cứu tích cực chọn tạo giống kháng bệnh. Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Viện Di truyền nông nghiệp đã chọn tạo thành công hai giống sắn có thể kháng bệnh khảm lá. Bộ NN và PTNT và tỉnh Tây Ninh lên kế hoạch nhân giống sắn kháng bệnh trên địa bàn ngay từ đầu vụ năm 2021. Nhưng từ 3 ha giống sắn kháng bệnh hiện nay, để nhân đủ số lượng giống theo cách thông thường cho gần 40.000 ha sắn nhiễm bệnh phải cần ít nhất từ bốn đến năm vụ liên tục mới có thể cung ứng đủ lượng giống. Nhiều nhà khoa học cho rằng, cơ quan chức năng cần phải kết hợp ứng dụng các biện pháp nhân giống khác như: nuôi cấy mô hoặc thủy canh mới nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

Trong khi chưa có thuốc phòng, trừ đặc trị, chưa đưa vào sản xuất đại trà các giống sắn kháng bệnh thì biện pháp tốt nhất là tiêu hủy nguồn bệnh, ngăn chặn môi giới truyền bệnh để hạn chế lây lan. Cục Trồng trọt đã ban hành quy trình để giống sạch bệnh, trong đó khuyến cáo người dân phải kiểm tra ruộng sắn trước khi thu hoạch, khử toàn bộ các thân cây sắn mà lá có triệu chứng bệnh (dù là vết bệnh nhỏ) phần còn lại khi để giống sẽ an toàn hơn, góp phần giảm nhanh diện tích nhiễm bệnh và giữ vững năng suất. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền biện pháp đơn giản này cho người dân biết và thực hiện. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán giống sắn để hạn chế lây lan. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn bệnh ngay sau khi trồng nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng diện tích bị nhiễm bệnh. Đồng thời, khuyến cáo người dân chú ý chăm sóc, bón phân để cây sắn sinh trưởng phát triển khỏe, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh gây hại và điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý, phòng trừ trên diện hẹp, nhất là bọ phấn trắng truyền bệnh khảm lá sắn nhằm hạn chế bệnh lây lan diện rộng.