Quá trình triển khai luôn gắn TĐQT với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cuộc vận động, phong trào thi đua của các cấp, các ngành, các tổ chức quần chúng và phong trào thi đua yêu nước của địa phương, tạo sức lan tỏa sâu rộng, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Phong trào TĐQT đã trực tiếp tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân hăng hái thi đua thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, tạo bước phát triển mạnh mẽ cho ngành CNQP, nổi bật là:
Nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định đường lối, cơ chế, chính sách và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về CNQP; tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo; tạo bước phát triển mới để xây dựng, phát triển CNQP theo hướng "chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại", gắn kết và trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia.
Phong trào TĐQT đã góp phần tạo đột phá trong tham mưu hoàn thiện thể chế pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CNQP; đặc biệt, đã hoàn thành xây dựng và được Quốc hội thông qua Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp tại kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024, qua đó cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về CNQP, luật hóa nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các bất cập, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển CNQP trong thời gian tới; đồng thời, tạo động lực mạnh mẽ trong tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, dự án đầu tư phát triển CNQP, nâng cao khả năng tự chủ sản xuất nguyên liệu, vật liệu cho sản xuất quốc phòng và từng bước cân đối tiềm lực CNQP trên ba miền chiến lược bắc, trung, nam, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển CNQP.
Triển khai thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu của phong trào TĐQT; các phong trào: "Sáng tạo trẻ", "Thi đua giành 3 nhất"; "Năng suất, chất lượng, hiệu quả, vượt chỉ tiêu, đời sống tốt"; "Đoàn kết thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh"; "Mỗi kỹ sư một đề tài, mỗi tổ công đoàn một sáng kiến";… được triển khai sâu rộng trong toàn tổng cục.
Cán bộ, kỹ sư, người lao động của tổng cục đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, khắc phục những khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, sự suy thoái kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, Israel - Hamas..., đã tích cực nghiên cứu, thực hiện thành công hàng trăm đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp; hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật; nghiên cứu, chế tạo được nhiều chủng loại vũ khí trang bị (VKTB) kỹ thuật có tính năng hiện đại, hàm lượng khoa học cao, có ý nghĩa chiến lược.
Qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa, cải tiến VKTB kỹ thuật và đóng mới các loại tàu quân sự hiện đại trang bị cho quân đội. Chất lượng sản phẩm do ngành công nghiệp quốc phòng sản xuất, sửa chữa ngày càng được nâng cao, ổn định và đạt độ tin cậy; việc bảo đảm VKTB cho quân đội chuyển từ mua sắm, lắp ráp là chính sang làm chủ nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất trong nước.
Quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt "Ba đột phá", đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế và xuất khẩu đến năm 2030 và những năm tiếp theo; phát huy thế mạnh về công nghệ, thúc đẩy phát triển một số ngành, lĩnh vực then chốt, như: cơ khí, đóng tàu, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp - pháo hoa và một số ngành công nghiệp hỗ trợ khác đạt trình độ tiên tiến, có hàm lượng công nghệ, giá trị tăng thêm cao.
Đồng thời, tổng cục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm lưỡng dụng, sản phẩm phục vụ nhu cầu dân sinh; tích cực tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trong nước và xuất khẩu. Các phong trào thi đua "Doanh nghiệp quân đội hội nhập và phát triển", "Quân đội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", "Đến trước 5 phút là đúng giờ", "Thái độ hơn trình độ",... được hầu hết doanh nghiệp trong tổng cục thực hiện sôi nổi, góp phần quan trọng trong xây dựng thương hiệu và uy tín; đồng thời khẳng định năng lực về công nghệ, trình độ quản trị, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Phong trào TĐQT đã góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế về CNQP; đưa hợp tác CNQP trở thành một nội dung quan trọng trong hợp tác quốc phòng, đối ngoại quân sự. Đã hình thành cơ chế hợp tác với hơn 10 nước với nội dung, hình thức ngày càng đa dạng; mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đạt hiệu quả thiết thực.
Đặc biệt, đã tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022; đang tích cực chuẩn bị tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế lần thứ hai vào cuối năm 2024 với quy mô lớn hơn; qua đó mở rộng cơ hội hợp tác, nâng cao vị thế, uy tín của Quân đội nhân dân và CNQP Việt Nam.
Có thể khẳng định, phong trào TĐQT trong Tổng cục CNQP 5 năm qua có bước phát triển vượt bậc, thực sự là động lực thúc đẩy các cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; trong đó nhiều cá nhân, tập thể được Nhà nước, Bộ Quốc phòng tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Tổng cục có một tập thể được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến; 40 lượt tập thể, 21 lượt cá nhân được tặng huân chương các loại; năm lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 45 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng; 22 tập thể, 23 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; hai đồng chí được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 174 đồng chí được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân và hàng chục nghìn lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn, nhất là vấn đề tự chủ trong nghiên cứu, chế tạo, sản xuất VKTB mới, hiện đại, chiến lược cho quân đội.
Các cơ quan, đơn vị trong tổng cục cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác TĐKT và phong trào TĐQT; phát huy truyền thống "Đoàn kết - Tự lực - Chủ động - Khoa học"; không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào TĐQT, thiết thực, góp phần xây dựng nền CNQP "Chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại", gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Để nâng cao hiệu quả, sức lan tỏa của phong trào TĐQT, các cơ quan, đơn vị cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức. Chủ đề phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; chỉ tiêu thi đua phải cụ thể, phù hợp, có tính khả thi; mục tiêu thi đua phải đột phá vào những khâu yếu, mặt yếu, việc khó.
Hình thức, biện pháp thi đua phải đa dạng, phong phú, sát thực tiễn, phù hợp. Các đơn vị cần quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng TĐKT các cấp; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến; kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng; hướng công tác khen thưởng về cơ sở và người trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, trọng điểm,... tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua phát triển sâu rộng, đồng đều, vững chắc.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.
Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng quyết tâm và động cơ thi đua đúng đắn, khơi dậy ý thức tự giác, lòng nhiệt tình và sức sáng tạo của mọi tổ chức, cá nhân; tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận cao; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quản lý nhà nước về CNQP; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các đề án, dự án đầu tư, chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm; tập trung nghiên cứu làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, sản xuất thành công một số loại VKTB kỹ thuật chính thuộc năm nhóm sản phẩm theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng, phát triển sản xuất kinh tế nhằm cải thiện đời sống cho người lao động; tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực nghiên cứu xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác CNQP với các nước, xuất khẩu các sản phẩm do CNQP sản xuất.
Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đẩy mạnh phát triển CNQP, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; Tổng cục CNQP quyết tâm đưa phong trào thi đua lên tầm cao mới, để thi đua thực sự trở thành động lực quan trọng, trực tiếp góp phần xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.