Hệ thống pháp luật, chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có quá khứ vi phạm pháp luật được tăng cường. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng hiệu quả; công tác xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh dành cho trẻ em được chú trọng, tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tiêu cực tác động, một bộ phận (ngày càng gia tăng) trẻ em đang trở thành nỗi lo của gia đình và xã hội. Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho thấy, năm 2012, cả nước phát hiện 8.820 vụ việc vi phạm pháp luật do 13.289 đối tượng là người chưa thành niên gây ra. So với năm 2011 tăng 231 vụ (2,6%), trong đó nam giới chiếm 12.781 người (96,1%), nữ giới chiếm 508 người (3,9%). Phân tích các đối tượng nói trên, có tới 5.514 đối tượng là trẻ em bỏ học (41,4%) và số vụ vi phạm pháp luật gây ra ở hầu hết các tội danh, tập trung ở các tội danh: trộm cắp tài sản (3.314 vụ, chiếm 37,5%), giết người (126 vụ, chiếm 1,4%), cướp tài sản (498 vụ, chiếm 5,6%), gây rối trật tự công cộng (1.105 vụ, chiếm 12,5%). Cục Cảnh sát hình sự nhận định, thời gian tới, tình hình phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tính chất phạm tội ngày càng nghiêm trọng, manh động, với đối tượng cầm đầu các băng nhóm có tuổi đời từ 16 đến 25 tuổi, sử dụng nhiều loại vũ khí để gây ra các loại án như: giết người, buôn bán ma túy, cướp giật, cố ý gây thương tích...
Phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên cần được xác định là trách nhiệm của toàn xã hội và là một nội dung quan trọng, có tính chiến lược trong toàn bộ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Do đó, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, trước hết là cấp ủy đảng, chính quyền, và các ngành, đoàn thể ở cơ sở. Qua tổng kết công tác phòng, chống tội phạm hằng năm, đã chỉ ra bài học kinh nghiệm, đó là: Những địa phương nào có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, thì nơi đó công tác phòng, chống tội phạm trong thanh, thiếu niên sẽ đạt hiệu quả cao. Trong đó, quan tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên và liên tục; nhất là đối với thanh, thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa. Ðồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các phong trào, mô hình phòng, chống tội phạm nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn dân cư.
Về phía gia đình, đây là môi trường giáo dục, là trường học đầu tiên của trẻ em và có mối quan hệ mật thiết với xã hội, do đó gia đình có vai trò to lớn trong việc giáo dục nhân cách trẻ em. Và để làm tốt vai trò đó, cha mẹ cần có kiến thức, nhận thức đầy đủ trong việc nuôi dạy và là tấm gương tốt để trẻ noi theo. Một công việc quan trọng khác là, gia đình, nhà trường... cần trang bị cho trẻ em những kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng sống, kỹ năng xã hội để nhận biết và tránh xa môi trường dễ phát sinh tệ nạn xã hội, tiêu cực.
Ngoài ra, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp là tổ chức có chức năng giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng, có vai trò quan trọng trong giáo dục, cảm hóa thanh, thiếu niên chậm tiến và phối hợp quản lý, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn khu dân cư. Tổ chức đoàn cần gần gũi, gắn bó với thanh, thiếu niên hơn nữa; nắm bắt tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của giới trẻ để từ đó có những hoạt động đồng hành, giáo dục, rèn luyện phù hợp giới trẻ.
Những công việc nói trên có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và cần được đẩy mạnh để trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của mọi cấp, mọi ngành, xã hội, hướng tới xây dựng khu dân cư an toàn, lành mạnh, không có tội phạm và tệ nạn xã hội.