Phòng ngừa lừa đảo trực tuyến lấy tiền trong tài khoản ngân hàng

Tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo trực tuyến tiếp tục gia tăng hướng đến các tài khoản ngân hàng với những phương thức, thủ đoạn mới, gây tổn hại rất lớn đến khách hàng, thách thức các cơ quan quản lý và ngân hàng. Những thông tin cảnh báo, phòng ngừa rủi ro được nêu ra tại hội thảo "Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Báo Tuổi Trẻ vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu trao đổi thông tin về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, giải pháp phòng ngừa rủi ro.
Các đại biểu trao đổi thông tin về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, giải pháp phòng ngừa rủi ro.

Mất hàng chục tỷ đồng qua mạng

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), thời gian qua, lừa đảo trực tuyến đã bùng phát mạnh, tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính. Những kẻ lừa đảo sử dụng các công cụ kỹ thuật hoặc phi kỹ thuật "social engineering" để xâm phạm thông tin cá nhân của người dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng thường nhắm đến mục đích lừa lấy tiền của người dùng.

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) thông tin: Trong quá trình làm luật sư cũng như làm công tác giảng dạy đã nhận được rất nhiều phản ánh của nhiều người về việc bị lừa đảo tiền trên không gian mạng. Gần đây nhất, một người quen của luật sư Thảo được mời gọi làm công việc tương tác các clip trên Facebook với hứa hẹn nhận được khoản thu nhập tốt.

Ban đầu người này được chuyển về tài khoản ngân hàng 10.000 đồng/lần tương tác clip, sau đó bị dẫn dụ và đã mất tổng cộng hơn 25 tỷ đồng. Mặc dù đã tố giác tội phạm đến cơ quan công an, nhưng quá trình tìm kiếm kẻ lừa đảo rất gian nan.

Theo đánh giá của Bộ Công an, thủ đoạn phổ biến là tội phạm giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, thuế, bảo hiểm xã hội yêu cầu người bị hại cài đặt các ứng dụng (App) giả mạo vào điện thoại. Sau đó, chúng âm thầm kiểm soát điện thoại, rồi thực hiện giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt tiền của người dùng.

Dự báo trong thời gian tới, hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phát triển, có xu hướng lợi dụng các thành tựu khoa học, công nghệ như: công nghệ Al (Deep fake) để giả mạo luôn khuôn mặt, giọng nói (Deep voice) rồi liên hệ người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền.

Các ngân hàng và khách hàng của ngân hàng tiếp tục là mục tiêu của tội phạm. Đối với ngân hàng, các đối tượng rà quét, tấn công hệ thống, dò tìm, khai thác lỗ hổng bảo mật, tấn công mã độc...

Đối với khách hàng của ngân hàng, các đối tượng liên tục sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thượng tá Cao Việt Hùng, Phó Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) dẫn chứng: Các tội phạm hướng đến ngân hàng như trường hợp có khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh mở một sổ tiết kiệm online trên ứng dụng với giá trị một triệu đồng.

Theo quy định, với sổ tiết kiệm một triệu đồng của mình, khách hàng có thể vay được 850.000 đồng. Tuy nhiên, người này đã dùng công nghệ can thiệp trái phép vào hệ thống thông tin tài chính của ngân hàng để rút và chuyển về tài khoản cá nhân của mình với tổng số tiền 10,5 tỷ đồng. Ông Hùng đề nghị các ngân hàng tăng cường an ninh, bảo mật hệ thống thông tin, phòng, chống mã độc, mua, bán dữ liệu khách hàng.

Đồng thời, các ngân hàng cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng tài khoản ngân hàng "rác", sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ phục vụ hoạt động vi phạm pháp luật như lừa đảo, đánh bạc, rửa tiền...

Tăng biện pháp ngăn chặn lừa đảo

Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), tội phạm trên không gian mạng tồn tại rất nhiều năm qua và liên tục biến hóa, tần suất và quy mô liên tục tăng, thủ đoạn ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Theo thông tin mà ACB thu thập được thì trong một quý có khoảng 1,2 triệu trường hợp bị lừa, 23% trong đó liên quan đến tài khoản ngân hàng và thẻ ngân hàng.

Ông Từ Tiến Phát chia sẻ: Từ góc độ tài chính, ACB chú trọng làm ba việc là phòng, chống và xử lý những trường hợp lừa đảo trực tuyến. Chính những giải pháp cảnh báo và xử lý rủi ro mà ACB áp dụng cho khách hàng trong thời gian qua đã làm giảm các trường hợp khách hàng bị lừa đảo, nhất là các app giả mạo.

Bên cạnh đó, ông Phát cũng đưa ra các giải pháp về phía khách hàng là cần nâng cao tinh thần cảnh giác, áp dụng "ba không" để hạn chế tối đa lừa đảo qua không gian mạng: thứ nhất, không click vào các link gửi đến; thứ hai, không tải app nếu không có trên kho ứng dụng Google Play hay App Store; thứ ba, không nghe theo những gì liên quan đến tư vấn tài chính qua điện thoại, mạng xã hội vì đa phần là lừa đảo, quấy rối.

Ngoài ra, ông Phát cũng đưa ra hai khuyến nghị để phòng tránh lừa đảo; đó là khách hàng nên đọc, tìm hiểu những thông báo, cảnh báo lừa đảo qua các kênh chính thống như báo chí, thông tin từ ngân hàng để phòng tránh lừa đảo; đồng thời, khách hàng nên chậm lại vài giây để đọc những thông tin gửi về điện thoại để hiểu kỹ nội dung trước khi quyết định giao dịch.

Để bảo vệ tài khoản ngân hàng của người dùng, ông Lê Anh Dũng cho biết: Cần sự nỗ lực hành động, phối hợp của các bên, trong đó có vai trò của ngân hàng và người dùng. Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an tiếp tục thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin tín dụng khách hàng; làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về phương án làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể là sẽ sửa Quyết định 630/QĐ-NHNN về kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo đó, tới đây sẽ quy định hạn mức giao dịch phải xác thực bằng sinh trắc học (bằng vân tay, khuôn mặt) để xác định người mở tài khoản và người thực hiện giao dịch đó phải là một.

Đại diện Bộ Công an đề nghị các ngân hàng tiếp tục phối hợp Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xây dựng quy trình phối hợp và thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp danh sách tài khoản ngân hàng, ví điện tử liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật từ công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc, có kết nối liên thông với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để hạn chế tình trạng sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ, phục vụ ngăn chặn sớm dòng tiền vi phạm pháp luật.