Phòng, chống tai nạn từ cây xanh trong mùa mưa bão

Những trận mưa giông lớn trong mùa mưa, bão năm nay không chỉ gây tình trạng úng ngập, mà còn làm cây xanh bị gãy, đổ. Cơn mưa chiều tối 5/7 làm không ít cây xanh đã bị gãy, đổ, nhất là những cây lấy bóng mát mới trồng, bộ rễ chưa phát triển hoàn thiện.

0:00 / 0:00
0:00

Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có khoảng 210 nghìn cây bóng mát, chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành, với xấp xỉ 150 nghìn cây. Các loài chủ yếu được trồng ở đô thị là: xà cừ, phượng, muồng, sấu, bằng lăng... 

Nhằm bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh, hạn chế tình trạng cây đổ, cành gãy, hằng năm, Sở Xây dựng đều giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiện trạng toàn bộ hệ thống cây bóng mát đang quản lý; lập biên bản thống nhất khối lượng và cắt tỉa các cây nặng tán, cây cao, lệch tán, cành vươn, cây có cành khô và chặt hạ các cây chết, sâu mục, nghiêng, có nguy cơ gây mất an toàn trên các tuyến phố, đồng thời gia cố cọc chống cây mới trồng.

Thành phố ưu tiên các loại cây được cắt tỉa là: xà cừ, muồng, phượng, lát hoa, bạch đàn, bằng lăng, sếu... Đây là những cây có độ cao lớn, do môi trường đô thị cho nên nhiều cây lệch tán, dễ gãy đổ. Đơn vị trực tiếp thực hiện công tác duy tu hệ thống cây xanh tại các tuyến phố là Công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Nội.

Tính đến giữa năm 2022, Công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Nội đã cắt tỉa được gần 30 nghìn cây xanh. Việc hạ độ cao, cắt tỉa cành, nhất là những cây xanh có độ cao hơn 20m là công việc nguy hiểm, nhưng nhờ có sự đầu tư về máy móc như: Xe nâng, xe cẩu, máy nghiền…, cho nên công việc đã đỡ vất vả và nguy hiểm hơn cho công nhân.

Tuy nhiên, hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố vừa đa dạng về chủng loại, lại phong phú về độ tuổi, trong đó có khoảng 20% số cây bóng mát có tuổi đời từ 80 năm đến 100 năm, tương đương với khoảng hơn 40 nghìn cây.

Việc đào đường lắp đặt hạ tầng viễn thông, điện lực, cấp thoát nước… cũng khiến bộ rễ của các cây bị ảnh hưởng, giảm khả năng chịu đựng gió bão. Nhiều cây ở các ngõ nhỏ, hay lẫn trong khu dân cư, trong trường học do các địa phương, cơ quan, đơn vị quản lý. Số lượng cây xanh này là không nhỏ và ít được rà soát về tình trạng sâu mục. Bởi vậy, cùng với hoạt động của cơ quan chức năng, bản thân các khu dân cư, các cơ quan, đơn vị có cây xanh cũng cần nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ, quản lý cây xanh; tăng cường rà soát khi mùa mưa bão đến. 

Những năm gần đây, việc cây xanh gãy đổ gây tai nạn đã giảm đáng kể nhờ việc tích cực rà soát, cắt tỉa, hạ độ cao hoặc thay thế cây cao tuổi, có nguy cơ gãy đổ. Song, không vì thế mà chúng ta lơ là, chủ quan. Việc nâng cao trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân sẽ góp phần phòng ngừa từ xa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.