Việt Nam hiện có khoảng hai triệu người mù và thị lực kém
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, tỷ lệ mù lòa toàn quốc năm 2015 là 1,8% dân số, giảm đáng kể so với năm 2007-2008 (3,1%) và với năm 2000-2002 (4,1%). Số lượng người mù ước tính ở Việt Nam cũng giảm từ 443.706 người trong năm 2000 xuống 370.640 người năm 2007 và 329.333 người trong năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm trong giai đoạn 2007-2015 ít hơn so với giai đoạn năm 2000-2007. Bên cạnh đó, số lượng người hơn 50 tuổi với thị lực kém hai mắt năm 2007 là 1,6 triệu người đã tăng lên 2,1 triệu người trong năm 2015.
Việt Nam hiện có khoảng hai triệu người mù và thị lực kém. Hơn 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được. Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ...
Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh - thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính), cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính gần ba triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị. Việc khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) lại là một trong những biện pháp can thiệp rẻ tiền và có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ mù lòa, tuy nhiên, khi triển khai các chương trình ở cộng đồng gặp nhiều rào cản từ nhận thức, cơ sở vật chất và kinh phí… để duy trì và thực hiện chỉnh kính cho các em học sinh.
Vẫn còn những “vùng trắng” về bác sĩ nhãn khoa
Một trong những khó khăn của người mù là nghèo không có tiền phẫu thuật, người nghèo chấp nhận bị mù, bên cạnh đó là các điều kiện khác như: thiếu kiến thức về phòng và chữa bệnh mắt, “không biết bệnh mắt của mình có thể chữa được” chiếm tới 1/3 trong số người mù và thị lực kém.
Mặc dù hằng năm, ngành mắt đã phẫu thuật điều trị giải phóng mù lòa mang lại ánh sáng cho hàng trăm nghìn người, tuy nhiên, chưa đáp ứng được nhu cầu giải phóng mù lòa.
Hiện cả nước có khoảng 1.600 bác sĩ nhãn khoa hoạt động trong các bệnh viện công và tư (trong đó khoảng 1/3 số người có thể mổ được đục thể thủy tinh) chiếm tỷ lệ 18,1 người/ một triệu dân, và khoảng 2.000 y sĩ, y tá nhãn khoa trong cả nước chiếm tỷ lệ 22,6 người/1 triệu dân. Với số lượng bác sĩ trên tỷ lệ dân số là tương đối đủ so với nhu cầu, nhưng việc phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở thành phố và đồng bằng là một thách thức lớn trong việc chăm sóc mắt ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều tỉnh chưa đủ số bác sĩ và phẫu thuật viên, thậm chí có những “vùng trắng” không có bác sĩ nhãn khoa.
Ký kết hợp tác giữa Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Đại học Quốc gia Kyungpook Hàn Quốc.
Hằng năm, Bệnh viện Mắt Trung ương đào tạo hàng trăm bác sĩ, phẫu thuật viên và điều dưỡng chuyên khoa, tuy nhiên, số lượng này chủ yếu tập trung về công tác tại các đô thị, khu vực đồng bằng. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế (năm 2007), chỉ có khoảng 46% số huyện có y/bác sĩ chuyên khoa mắt làm việc trong tổng số 697 huyện cả nước. Nhiều huyện không có một bác sĩ hoặc y sĩ, y tá chuyên khoa Mắt để chăm sóc mắt cho nhân dân, trong khi theo khuyến cáo của tổ chức WHO, mỗi huyện cần có một bác sĩ nhãn khoa, 2-3 y sĩ hoặc điều dưỡng nhãn khoa, một khúc xạ viên và một kỹ thuật viên mài lắp kính.
Bên cạnh đó, còn có nhiều vấn đề khác khiến cho công tác phòng, chống mù lòa (PCML) ở cộng đồng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Thí dụ, trang thiết bị nhãn khoa tối thiểu ở cấp huyện chưa có. Thậm chí, cơ sở nhãn khoa cấp tỉnh còn thiếu thốn nhiều. Kinh phí từ ngân sách dành cho PCML chưa được quan tâm thỏa đáng... đó cũng là cơ sở chưa thu hút được bác sĩ nhãn khoa về công tác tại các địa phương, tuyến cơ sở.
Nhiều thách thức mới
Thiếu nhân lực ở tuyến cơ sở, thiếu trang thiết bị nhãn khoa, kéo theo thiếu các dịch vụ nhãn khoa, không đáp ứng được các chương trình chăm sóc mắt cộng đồng... Do đó người dân khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt, phải dồn lên các cơ sở chăm mắt tuyến trên, sinh ra thực trạng quá tải bệnh viện. Đối với người nghèo thì điều kiện đi lại, kinh phí cho việc khám mắt lại càng khó khăn hơn.
Hàng trăm cơ sở y tế tuyến huyện thiếu nhân lực, các trang thiết bị khám sơ sài, khó đáp ứng công tác chăm sóc mắt cho người dân. Các chương trình phòng, chống mù lòa hiện nay mới dừng lại ở các đợt khám, phẫu thuật lưu động và hoạt động truyền thông chăm sóc mắt.
Đặc biệt, sự chủ quan và tùy tiện tra nhỏ thuốc của người bệnh hay những quan niệm sai về việc trì hoãn đeo kính khi mắc tật khúc xạ, không thăm khám mắt định kỳ, tự chữa mắt theo các phương pháp và quan niệm dân gian...
Việc kiểm tra mắt định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm bệnh và các tật ở mắt để có phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời. Tránh tình trạng khi bệnh nặng mới đến các cơ sở y tế thì việc điều trị sẽ hạn chế rất nhiều.
Giải pháp nào thực hiện mục tiêu thị giác?
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia PCML giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030, với mục tiêu chung “tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ các bệnh mù lòa có thể phòng, chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân, đặc biệt hàng triệu người mù có quyền được nhìn thấy như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về mục tiêu thị giác 2020”.
Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người hơn 50 tuổi xuống dưới 16 người/1.000 dân; Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể trên 2,5 người/1.000 dân; Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt 45%; Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt hơn 70%. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nâng cao nhận thức cộng đồng và củng cố mạng lưới về chăm sóc mắt; Xây dựng và hoàn thiện các chính sách PCML; Kiểm soát các nguyên nhân chính gây mù lòa; Tăng cường chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho các tuyến dưới; Hợp tác quốc tế huy động các nguồn lực cũng như kinh nghiệm trong PCML....
Tuy nhiên, công tác PCML là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ riêng ngành mắt mà đòi hỏi nhận thức và quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự chủ động phối hợp của các các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân với nhiều hình thức đa dạng hơn, quy mô hơn...
Ngành mắt Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, củng cố mạng lưới và hệ thống chăm sóc mắt cơ sở, mục tiêu đưa các dịch vụ nhãn khoa đến gần dân hơn, đặc biệt là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa... Đào tạo cán bộ nhãn khoa, phẫu thuật viên. Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho tuyến dưới. Tham mưu đề xuất với Bộ Y tế, Chính phủ ban hành những chính sách, giải pháp thực hiện, huy động các nguồn lực xã hội, tăng cường và đầu tư trang thiết bị nhãn khoa cho các tuyến, đặc biệt tuyến huyện và các bệnh viện khu vực.
Từ ngày 8 đến 10-11, tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Hội nghị ngành mắt toàn quốc 2018, Hội nghị Cận thị quốc tế và Hội nghị vệ tinh nhãn khoa châu Á - Thái Bình Dương APAO 2018, với 234 đề tài, báo cáo khoa học về PCML và ứng dụng nhãn khoa tiên tiến được chia sẻ, thuyết trình. Sự kiện sẽ thu hút gần 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Đây là hoạt động khoa học thường niên quy mô lớn của ngành mắt Việt Nam do Bệnh viện Mắt Trung ương và Hội Nhãn khoa Việt Nam tổ chức, tập hợp các chuyên gia nhãn khoa đến từ nhiều nước trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, thảo luận những phương pháp trong bảo vệ và chăm sóc mắt cho nhân dân. |