Do chịu ảnh hưởng từ thế giới và khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến rất phức tạp. Ðáng chú ý, tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đang diễn ra tại nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục…; trong đó, lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ lớn.
Hiện nay, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, đồng thời xuất hiện nhiều loại ma túy thế hệ mới có độc tính cao, với hình thức bắt mắt thu hút sự tò mò, khám phá của giới trẻ. Nhằm đối phó với cơ quan chức năng, tội phạm ma túy đã cho ma túy ngụy trang, núp bóng dưới dạng đồ uống, thực phẩm, thuốc lá điện tử. Ðáng lo ngại, một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã hợp pháp hóa cần sa vì mục đích y tế, giải trí; các sản phẩm có chứa cần sa ở nước ngoài xâm nhập trái phép vào nước ta qua nhiều con đường như xách tay, quà biếu gây nhiều rủi ro, hệ lụy.
Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc cần sa, như trường hợp người phụ nữ ở Hà Nội ngộ độc sau khi vô tình ăn bỏng ngô tẩm cần sa, ba phụ nữ làm nghề tạp vụ ở Thành phố Hồ Chí Minh phải đi cấp cứu vì ăn chocolate chứa cần sa. Trước đó, ở Ðà Nẵng, sáu học sinh phải cấp cứu do ngộ độc ma túy “nước vui”...
Thời gian qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã triệt phá nhiều chuyên án về các đối tượng pha chế, đóng gói ma túy “nước vui”. Có thể kể tới các chuyên án đã phá thành công như: Chuyên án 0323H về hoạt động pha chế, đóng gói ma túy tổng hợp “nước vui” quy mô lớn do Nguyễn Thị Hoài cầm đầu. Hoài từng làm DJ ở nước ngoài. Quãng thời gian này, Hoài học được công thức pha chế ma túy “nước vui”.
Các đối tượng mua ma túy và các phụ gia từ nước ngoài về đóng trong những gói cà-phê, trà thảo mộc có bao bì hấp dẫn, bắt mắt, mỗi gói trọng lượng 15g. Thị phần mà các đối tượng hướng tới là giới trẻ, học sinh, sinh viên muốn tìm tòi, khám phá sự mới lạ. Với chuyên án 123T, Cơ quan điều tra đã bắt giữ đối tượng cầm đầu là Lê Anh Thơ.
Thông qua mạng xã hội, Thơ liên hệ các đối tượng ở nước ngoài đặt mua cần sa tổng hợp, tinh dầu vị, hóa chất, các thiết bị của thuốc lá điện tử, ống thuốc lá sợi chuyển về kho tại Hà Nội thông qua các công ty vận chuyển. Ma túy được các đối tượng pha chế rồi bơm vào đầu điếu thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi rồi dán nhãn mác độc quyền, có chế độ bảo hành...
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết: Ma túy được các đối tượng ngụy trang, núp bóng dưới dạng “nước vui”, trà sữa hoặc tẩm ướp trong thực phẩm đồ uống, thuốc lá điện tử... để đối phó với cơ quan chức năng.
Nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp bị ngộ độc, thậm chí tử vong. Sử dụng ma túy tổng hợp kéo dài dẫn đến rối loạn tâm thần, “ngáo đá”, mất khả năng kiểm soát hành vi, gây nguy hiểm cho bản thân và những người chung quanh, dẫn đến mất an ninh, trật tự ở nhiều địa bàn, với nhiều vụ án gây dư luận xấu trong nhân dân. Trong năm 2023, có gần 1.500 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, gây ra 30 vụ phạm pháp hình sự.
Theo số liệu của Bộ Y tế: Báo cáo tổng hợp từ gần 700 cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó, số người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử trong lứa tuổi từ 16-24 là 129 ca (chiếm hơn 10%). Số liệu khảo sát gần đây cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 đang ở mức 8,1%. Có thể thấy, tình trạng hút thuốc lá điện tử ở học đường ngày càng gia tăng.
Ðể góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trong giới trẻ, Bộ Công an đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh trấn áp mạnh, kiên quyết không khoan nhượng với tội phạm ma túy. Ðiển hình là trong năm 2023, cuộc thi “Trường học không ma túy” do Bộ Công an phối hợp Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức ở năm địa phương với 10 chương trình.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy nhận xét: Ðây là hình thức tuyên truyền hấp dẫn, sáng tạo, thông qua các phần thi phong phú, với sự xuất hiện ấn tượng của đông đảo nhân vật nổi tiếng, những gương mặt có sức ảnh hưởng tích cực đã đến tham gia, cùng lan tỏa thông điệp “Nói không với ma túy”.
Khi tham gia chương trình, học sinh không còn thụ động trong cách tiếp cận thông tin, mà tự tìm tòi, tự nghiên cứu và tự trình bày những hiểu biết của mình về công tác phòng chống ma túy. Chính các em là những tuyên truyền viên tới người thân và các bạn cùng lớp, cùng trường về công tác phòng chống ma túy.
Trên cơ sở đó, ngày 22/1/2024, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã ký Chương trình phối hợp số 03 về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy trong cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030. Do đó, cuộc thi “Trường học không ma túy” mùa 2 tiếp tục được triển khai tại 10 tỉnh, thành phố, với nhiều đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện.
Cuộc thi cung cấp kiến thức và kỹ năng tới học sinh các trường trung học phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc về Luật Phòng, chống ma túy, hiểm họa của ma túy đối với đời sống xã hội để học sinh, sinh viên phòng tránh; góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, không có học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.
Theo thống kê từ cơ quan chức năng, hiện cả nước có hơn 227.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý. Khoảng 60% số người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15-25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13-15. Trong tổng số 95% số người sử dụng ma túy tổng hợp, có tới 70-75% số người trong độ tuổi 17-35, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên.