Ở kỳ thi này những năm trước, lực lượng chức năng đều đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong phòng thi. Các thiết bị công nghệ cao dùng để gian lận được thiết kế tinh vi, dễ che giấu và khó phát hiện, ngụy trang dưới hình thức nhiều đồ vật thông dụng như cúc áo, mắt kính, bút viết, tai nghe siêu nhỏ, đồng hồ thông minh… có thể liên kết với các thiết bị có gắn sim điện thoại để hỗ trợ việc gọi, nghe lời giải từ bên ngoài đưa vào phòng thi.
Tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông của Hà Nội vừa diễn ra, mặc dù đã được cán bộ coi thi lưu ý và quán triệt rất kỹ Quy chế thi, các vật dụng không được phép mang vào phòng thi nhưng kết thúc kỳ thi, vẫn có 5 thí sinh vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi với cùng một lý do là mang điện thoại vào phòng thi.
Để có một kỳ thi công bằng, công tác bảo đảm an ninh, an toàn và ngăn ngừa các hành vi gian lận trong thi cử đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm. Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo đó, quy chế đã bỏ quy định cho phép thí sinh mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Như vậy, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu như những năm trước.
Phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Vì một kỳ thi nghiêm túc, không chỉ cần sự nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo, ý thức của từng thí sinh mà cần cả sự chung tay của toàn xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục tuyên truyền, cảnh báo về tính chất vi phạm và hậu quả của hành vi sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử.
Các địa phương cần tăng cường tập huấn cũng như lựa chọn cán bộ coi thi có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm cao; đặc biệt cần bố trí địa điểm thi phù hợp, đúng các tiêu chí về an toàn; rà soát, có phương án bảo đảm an toàn cho các phòng thi nằm gần nhà dân. Ngay từ buổi làm thủ tục dự thi, các điểm thi cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí răn đe để thí sinh nhận thức rõ về các hành vi bị cấm và hình thức xử lý kỷ luật nếu vi phạm quy chế, đặc biệt nhấn mạnh việc để lọt, lộ đề, sao chụp đề thi trong thời gian làm bài là vi phạm pháp luật hình sự về bảo vệ bí mật nhà nước.
Cán bộ tham gia kỳ thi không chỉ phải làm tốt công tác coi thi mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị gian lận. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ làm công tác tổ chức thi không được chủ quan, lơ là, quan sát kỹ toàn bộ bề mặt của các vật dụng để xác định dấu hiệu bất thường; đồng thời, quan sát biểu hiện tâm lý không bình thường của thí sinh, vì áp lực tâm lý, thí sinh sử dụng thiết bị gian lận sẽ luôn luôn thụ động... từ đó phát sinh biểu hiện khác thường như lo lắng, hồi hộp, mất tự nhiên.
Thiết bị công nghệ cao ngày càng được chế tạo tinh vi, có thiết kế nhỏ, gọn…, thậm chí siêu nhỏ. Do vậy, cơ quan công an cần có những giải pháp ngăn ngừa từ sớm, từ xa việc cố tình vi phạm, lạm dụng công nghệ cao để gian lận; đồng thời bố trí những lực lượng chuyên môn phát hiện kịp thời, xử lý ngay những trường hợp cố tình sử dụng công nghệ cao để gian lận trong thi cử.