Ngăn chặn gian lận trong thi cử

Gian lận trong các kỳ thi luôn là vấn đề mà các tổ chức giáo dục trên thế giới cố gắng loại bỏ. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ và sự phát triển của internet ngày một mạnh mẽ, bài toán ngăn chặn gian lận trong thi cử ngày một khó khăn hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi cử. Ảnh: GETTY
Nhiều thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi cử. Ảnh: GETTY

Giải pháp công nghệ

Theo thống kê của Trung tâm quốc tế về liêm chính trong học thuật (ICAI), khoảng 68% học sinh tại Mỹ thừa nhận từng gian lận trong các bài thi với lý do họ phải chịu những áp lực không tưởng từ chính sách giáo dục. Điện thoại di động, thiết bị nghe không dây, đồng hồ thông minh, kính mắt thông minh… trở thành những công cụ phổ biến trong việc gian lận thi cử.

Mặc dù sự phát triển của các thiết bị công nghệ khiến gian lận trong các kỳ thi trở nên dễ dàng hơn, song chúng cũng chính là những công cụ mà các quốc gia khác nhau sử dụng để ngăn chặn sự thiếu trung thực trong học tập. Tại Trung Quốc, máy bay không người lái, công nghệ nhận dạng khuôn mặt và vân tay, bộ chặn tín hiệu điện thoại di động và máy dò không dây… được sử dụng để ngăn chặn gian lận trong kỳ thi.

Theo Global Times, năm 2020, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lần đầu đã được áp dụng tại tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) trong việc giám sát thí sinh. AI có khả năng phân tích hành vi và nét mặt của các thí sinh, qua đó khoanh vùng những người dự thi có biểu hiện đáng ngờ, giúp giám thị phát hiện và tiến hành kiểm tra đối tượng. Khu vực Nội Mông (Trung Quốc) sử dụng hệ thống nhận dạng vân tay thay cho phương pháp xác minh danh tính truyền thống. Với công nghệ nhận dạng hình ảnh tĩnh mạch dưới da, thậm chí anh em sinh đôi cũng không thể gian lận bằng cách đi thi hộ. Tỉnh Hồ Bắc sử dụng thiết bị bay không người lái để gây nhiễu sóng điện thoại và các tín hiệu gần các điểm thi. Máy dò kim loại cũng được sử dụng để phát hiện các thiết bị điện tử trong người thí sinh.

AI cũng được áp dụng để giám sát các thí sinh trong kỳ thi online của Đại học Quản lý Singapore (SMU) và Học viện Công nghệ Singapore (SIT) trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Các sinh viên buộc phải làm bài thi trước webcam của máy tính và AI sẽ quan sát chuyển động của mắt để phát hiện ra các hành vi gian lận. Trình duyệt internet trên máy tính bị khóa, do đó các thí sinh không thể truy cập mạng.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã thiết kế một chương trình được hỗ trợ bởi AI, có thể phát hiện các văn bản được sao chép với độ chính xác tới 90%. Phần mềm với tên gọi Ghostwriter có khả năng tìm kiếm các yếu tố như ngôn ngữ, cấu trúc câu và sự khác biệt để chỉ ra rằng bài thi có được sao chép từ của một thí sinh khác hay không.

The Economist cho biết, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn gian lận trong các bài kiểm tra ở trường, các chính phủ tại khắp khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong nhiều năm đã thực thi việc ngắt kết nối internet trên toàn quốc trong mùa thi.

Gian lận thi cử đã trở nên phổ biến ở Algeria, đến nỗi chính phủ nước này từng phải ban hành lệnh để 500.000 học sinh thi lại trong kỳ thi năm 2016. Theo The New York Times, năm 2016, nhiều đề trong kỳ thi tốt nghiệp trung học tại Algeria bị phát tán lên mạng trước giờ làm bài. Chính phủ Algeria phải hứng chịu những chỉ trích nặng nề vì không bảo vệ được tính công bằng trong thi cử và buộc phải tổ chức một bài kiểm tra mới cho các thí sinh. Một năm sau đó, Chính phủ Algeria yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet chặn các trang mạng xã hội như Facebook, song vẫn không hiệu quả. Nhiều câu hỏi trong đề thi được tìm thấy ở các nền tảng mạng xã hội khác.

Kể từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018, giới chức Algeria quyết định cắt toàn bộ mạng internet và sóng di động một giờ đồng hồ trước khi mỗi bài thi bắt đầu. Cùng với biện pháp ngắt kết nối internet, máy dò kim loại được trang bị tại các điểm thi để bảo đảm không thí sinh nào có thể mang thiết bị hỗ trợ truy cập internet vào phòng thi. Camera giám sát và thiết bị nhiễu sóng cũng được lắp đặt. Chính phủ Algeria thậm chí còn thông qua luật xử phạt lên tới 15 năm tù đối với những người cố tình gian lận thi cử.

Ngăn chặn gian lận trong thi cử ảnh 1

Nguồn: INDIA TODAY

Thiệt hại ngoài mong muốn

Biện pháp ngắt kết nối internet trong mỗi kỳ thi vấp phải sự chỉ trích của các nhà hoạt động nhân quyền và gây tổn hại nền kinh tế. The Economist cho rằng, không có bằng chứng nào cho thấy việc ngắt internet làm giảm gian lận trong các kỳ thi. Năm 2021, chỉ có 60% số học sinh trung học phổ thông ở Syria đỗ tốt nghiệp. Vào năm 2016, một trang Facebook ẩn danh đã công bố một số câu hỏi

10 phút trước khi kỳ thi bắt đầu. Trang này tuyên bố rằng, đang cố gắng thúc đẩy sự bình đẳng tại Syria bằng cách cung cấp cho học viên nghèo những lợi thế giống như những người giàu có được thông qua cách trả tiền.

Việc ngắt kết nối internet tạo ra một “cơn đau đầu” cho nền kinh tế. Các thương nhân bị chặn khỏi thị trường, các doanh nghiệp không thể xử lý thanh toán điện tử và bệnh viện không thể tìm kiếm hồ sơ bệnh nhân. Theo chuyên gia Simon Migliano của Top10VPN, một công ty chuyên đánh giá web có trụ sở tại Anh, nền kinh tế của Syria đã thiệt hại hơn bảy triệu USD sau ba lần internet ngừng hoạt động trong kỳ thi hồi cuối tháng 5 vừa qua. Ông Migliano cho biết, tổng thiệt hại này được tính toán bởi NetBlocks, một công ty nghiên cứu kỹ thuật số, ước tính tác động kinh tế bằng cách sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng thế giới (WB), Liên minh Viễn thông quốc tế và Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat). Kể từ năm 2019, việc ngắt kết nối internet đã khiến Syria tiêu tốn khoảng 88 triệu USD. Algeria, Ethiopia, Ấn Độ, Iraq, Jordan, Sudan và Syria thiệt hại tổng số tiền hơn 370 triệu USD trong ba năm qua do mất kết nối internet trong các kỳ thi. Những thiệt hại này không bao gồm tổn thất gây ra đối với niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế của các quốc gia.

Sau khi nhận nhiều ý kiến phản đối, Chính phủ Syria cho biết, họ sẽ ngừng cắt truy cập internet trong kỳ thi năm 2022. Tuy nhiên, khi năm học kết thúc và khoảng 317.000 học sinh đã đến các trung tâm thi, tình trạng mất kết nối internet lại xảy ra. Một nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Georgia đã ghi nhận sự cố mất kết nối kéo dài vài giờ trong các ngày trùng với các ngày diễn ra các bài kiểm tra cấp trung học cơ sở quốc gia.

Access Now, một tổ chức vì quyền kỹ thuật số cho rằng, việc cắt đứt quyền truy cập internet trên toàn quốc trong mỗi kỳ thi là không hiệu quả, mà lại gây tầm ảnh hưởng sâu rộng. Mặc dù các quốc gia dường như ít sử dụng chiến thuật này hơn theo thời gian, nhưng Access Now tin rằng, biện pháp ngắt mạng internet trong mỗi kỳ thi sẽ không chấm dứt tại các nước trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất để loại bỏ gian lận trong các kỳ thi, trước hết là việc thúc đẩy thí sinh nghiên cứu sâu hơn các môn học được dạy. Kết nối các môn học ở trường với thế giới thực là cách hữu hiệu để ngăn chặn gian lận trong kỳ thi. Hơn nữa, các cơ sở giáo dục có thể cần xem xét việc khuyến khích ý thức, trách nhiệm và tính liêm chính của học sinh thông qua các giải pháp kỹ thuật số và chiến lược khác nhau.