Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PC07), trong bảy ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 15 vụ cháy; trong đó, có hai vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.
Đặc biệt, vụ cháy làm bốn người chết tại Quận 10 cho thấy, hiểm họa cháy nổ trong mùa nắng nóng gay gắt là thường trực, dẫn đến nhiều hệ lụy thảm khốc nếu không cảnh giác cao.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ, nhất là trong khu dân cư, nhiều chuyên gia cho biết: Trong cao điểm mùa khô, thời điểm nắng nóng người dân gia tăng sử dụng các thiết bị làm mát, làm tăng nguồn nhiệt điện và đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao.
Sau Tết cũng là thời điểm người dân và các cơ sở kinh doanh thường khai trương, kinh doanh ồ ạt, nhập hàng hóa khá nhiều để mua bán, dự trữ. Rồi đốt nhang, vàng mã... dễ dẫn đến bất cẩn, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao.
Theo đại diện PC07, các vụ cháy nổ trong khu dân cư tại thành phố thường có hậu quả rất nặng nề vì thành phố có quá nhiều con hẻm nhỏ, chằng chịt, mật độ nhà và dân số cao. Khi xảy ra cháy nổ, các xe chữa cháy khó tiếp cận mục tiêu để chữa cháy ngay khi xảy ra cháy.
Hơn nữa, nhà ở của người dân cũng là nơi kinh doanh, buôn bán hoặc sản xuất, là nơi chứa nguyên vật liệu hoặc hóa chất dễ cháy nên khi xảy ra cháy, thường bùng phát rất nhanh, dễ cháy lan ra các nhà liền kề hoặc cả khu dân cư.
Các vụ cháy từ nhà dân hoặc khu dân cư thường thiệt hại về người rất lớn, vì nhà ở của người dân thường là nhà ống, bít bùng, được xây kiên cố cả ba phía và cả trên mái nhà hoặc sân thượng.
Lối thoát hiểm duy nhất chính là cửa ra vào. Cửa ra vào vì lý do an ninh thường được xây “kín cổng, cao tường”, có khóa bằng từ, bằng điện hoặc là cửa sắt, cửa cuốn. Khi xảy ra cháy, hệ thống điện sẽ tự động ngắt và chính các loại cửa khóa từ, khóa điện, cửa cuốn sẽ... khóa luôn lối thoát hiểm duy nhất của căn nhà, “nhốt” luôn nạn nhân, có khi là cả gia đình.
Theo thống kê từ PC07, trong năm 2023, hơn 70% số vụ cháy tại Thành phố Hồ Chí Minh có nguyên nhân từ các vụ chập điện.
Đề cập đến các giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong thời điểm mùa khô, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trường, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an thành phố cho biết:
Để chủ động các giải pháp phòng cháy, chữa cháy, đối với hộ gia đình, chủ hộ phải thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình ý thức trong việc sử dụng các nguồn điện, nguồn nhiệt; không tàng trữ, bố trí nhiều chất dễ cháy trong nhà, sắp xếp bảo đảm khoảng cách an toàn; sắp xếp vật dụng trong nhà hợp lý, không đốt vàng mã trong nhà; đồng thời có các phương án xử lý khi cháy nổ xảy ra.
“Nhà dân cần có hai lối thoát nạn và trang bị ít nhất hai bình chữa cháy. Có giải pháp chống ngạt khói ở cầu thang và các tầng trên”, Thượng tá Trường khuyến cáo.
Cũng theo Thượng tá Trường, hàng loạt các vụ cháy nghiêm trọng xảy ra vừa qua, gây thiệt hại về người và tài sản một phần cũng là do ý thức chủ quan của người dân.
Thành phố đang vào cao điểm giữa mùa khô, mọi người cần nâng cao ý thức, đề phòng cháy nổ, cần cẩn trọng khi sử dụng các thiết bị điện.
Tuyệt đối không đốt cỏ, rác vào buổi trưa khi có gió to và chưa tiến hành thu gom, tạo khoảng cách an toàn với các công trình chung quanh, không đốt đồng loạt trên diện tích lớn. Khi đốt cỏ, rác phải thông báo cho lãnh đạo chính quyền địa phương, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp biết.
Khi xảy ra cháy, tổ chức chữa cháy kịp thời, phát huy tốt phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư hậu cần tại chỗ); đồng thời, nhanh chóng báo cháy cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp (số điện thoại 114) và các cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời.
Tuyệt đối không chủ quan tự cứu chữa đến khi đám cháy bùng phát lớn, phức tạp rồi mới báo cháy cho lực lượng chữa cháy.
Năm 2023, PC07 đã tham mưu Công an thành phố thử nghiệm và thực hiện thành công mô hình ứng dụng “Bản đồ số thông minh” phục vụ công tác chỉ huy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ứng dụng này đang được triển khai nhân rộng đến toàn thể các đơn vị trực thuộc, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức…
PC07 cũng vận động người dân sống tại hơn 1,3 triệu nhà ở riêng lẻ có lối thoát nạn thứ hai; hơn 1,2 triệu nhà ở riêng lẻ đã trang bị phương tiện thoát nạn; hơn 74.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có lối thoát nạn thứ hai...
Ngoài ra, đơn vị tổ chức hơn 16.000 lượt thực tập phương án chữa cháy tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng; đã tổ chức 1,6 triệu lượt kiểm tra với nhà ở hộ gia đình, phát hiện gần 100.000 bất cập, thiếu sót và 1.768 hành vi vi phạm.
Trong công tác phòng cháy, lực lượng PC07 đã vận động xây dựng được 3.304/4.436 “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, 3.405/4.659 “Điểm chữa cháy công cộng”; kinh phí do địa phương hỗ trợ và người dân tự trang bị, lắp đặt.