Nỗ lực bảo tồn các loài động vật hoang dã

Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa nằm trên địa bàn năm xã phía bắc của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), có diện tích hơn 23.456ha, bao quanh bởi vùng đệm có diện tích hơn 82.383ha. Qua điều tra tại khu bảo tồn cho thấy có 1.296 loài thực vật, 110 loài thú, 33 loài cá, 206 loài chim…, trong đó có nhiều loài nguy cấp quý, hiếm. Tỉnh Quảng Trị đang dự kiến nâng khu bảo tồn thành vườn quốc gia để bảo vệ tốt hơn nữa đa dạng sinh học quý giá này.
0:00 / 0:00
0:00
Gà so họng hung, một trong hai loài vừa mới được ghi nhận tại khu bảo tồn.
Gà so họng hung, một trong hai loài vừa mới được ghi nhận tại khu bảo tồn.

Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa Hà Văn Hoan cho biết, những năm qua, ban quản lý khu bảo tồn thường xuyên quan tâm công tác tuần tra bảo vệ rừng; củng cố tổ chức, tăng cường biên chế của hai phòng chuyên môn nghiệp vụ về Trạm quản lý bảo vệ rừng; bố trí viên chức tại các vùng trọng điểm, vùng xung yếu, vùng có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ngày càng tốt hơn nữa.

Tuy mới được thành lập và đi vào hoạt động hơn 10 năm, nhưng ban quản lý khu bảo tồn đã phối hợp Trường đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Trường đại học Nông lâm-Đại học Huế thường xuyên trao đổi, phối hợp tổ chức thực hiện sáu công trình nghiên cứu, bảo tồn động vật, gồm: điều tra giám sát bò tót; điều tra khu hệ cá; điều tra khu hệ bò sát ếch nhái; điều tra khu hệ côn trùng rừng; điều tra giám sát một số loài chim, thú nguy cấp, quý hiếm; điều tra, đánh giá phân bố và hiện trạng của loài vượn Siki.

Kết quả ghi nhận loài bò tót đang sinh sống tại sinh cảnh trảng cỏ, cây gỗ xen cây trúc, cây bụi ở khu vực Pa Thiên, Voi Mẹp, thuộc các xã Hướng Sơn, Hướng Linh nằm trong lâm phần của Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa với số lượng khoảng hai đàn, mỗi đàn ít nhất ba cá thể, trong đó có một cá thể đang nhỏ. Điều tra khu hệ cá ghi nhận được 33 loài thuộc 28 giống, 17 họ, 6 bộ; xác định được một loài có giá trị bảo tồn trong Sách đỏ Việt Nam 2007, đó là cá chình hoa (Anguilla marmorata).

Khu hệ bò sát ếch nhái ghi nhận được 81 loài, thuộc 56 giống, 18 họ và 3 bộ; trong đó lớp bò sát có 44 loài, 37 giống, 12 họ, 2 bộ; lớp ếch nhái có 37 loài, 19 giống, 6 họ, 1 bộ. Qua điều tra nghiên cứu đã xác định được 21 loài đang có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ tốt hơn nữa.

Công tác điều tra đã phát hiện được 18 loài thú, 14 loài chim, chiếm đến 39,5% tổng số loài nguy cấp, quý, hiếm của khu bảo tồn. Cùng với đó là tổ chức giám sát loài chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) và voọc Hà Tĩnh (Trachypithecus hatinhensis) trên địa bàn. Khu hệ côn trùng ghi nhận được 503 loài, thuộc 109 họ, 16 bộ, trong đó có 3 loài nguy cấp, quý, hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007, Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế và Nghị định 84/2021/NĐ-CP. Đó là bướm phượng cánh đuôi nheo (Lamproptera curius); bướm phượng cánh chim chấm liền (Troides helena) và bọ hung ba sừng (Chalcosoma atlas). Xác định được khoảng 112 đàn với 336 cá thể vượn Siki trong khu bảo tồn tại rừng thường xanh giàu, rừng thường xanh trung bình.

Theo ông Hà Văn Hoan, để giám sát, bảo vệ kịp thời động vật hoang dã có hiệu quả, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa đã phối hợp Trường đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên thực hiện khảo sát đặt bẫy ảnh tại 77 điểm trên toàn bộ diện tích của khu bảo tồn trong thời gian hai năm qua.

Tổng kết chương trình đặt bẫy ảnh cho kết quả bước đầu ghi được hình ảnh của 18 loài thú, như: khỉ mặt đỏ, thỏ vằn, sơn dương…; 14 loài chim gồm: Hồng hoàng, gà lôi, khướu má hung, gà so họng hung, đều là động vật nguy cấp, quý, hiếm. Đáng chú ý trong đó có 11 loài có tên trong Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế, 18 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007; tiêu biểu đã bổ sung hai loài mới ghi nhận tại Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa, là khướu má hung (Garrulax castanotis) và gà so họng hung (Arborophila rufogularis).

Khi phát hiện được kết quả phong phú này, để ngăn chặn tình trạng làm nguy hại đến các loài động vật hoang dã, khu bảo tồn đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức gần 200 cuộc họp với các thôn, bản tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm. Nhờ vậy, cuộc sống của các loài động vật hoang dã trong khu bảo tồn ngày càng an toàn hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đánh giá cao công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã thời gian qua của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa. Động vật hoang dã là tài nguyên vô cùng quý hiếm, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống cho con người.

Đồng thời, để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vốn có nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các loài động vật phát triển, đồng chí Hà Sỹ Đồng đề nghị trong thời gian tới, Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hóa cần thực hiện đồng bộ các biện pháp vừa bảo vệ rừng và nghiên cứu bảo tồn. Rà soát lại các hoạt động nghiên cứu về động vật, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp giám sát, quản lý bảo tồn sinh cảnh tự nhiên phù hợp hơn nữa góp phần phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất để khu bảo tồn hoàn thành tốt công tác của mình.