Không gian này bắt đầu hoạt động từ những năm 1980, duy trì cho đến bây giờ và chỉ trình chiếu những tác phẩm nghệ thuật nghe nhìn kinh điển của thế giới. Các vị khách có thể đến rồi đi, những người quen cũ quay lại và người mới tìm đến, nhưng “ông chủ rạp” vẫn chỉ là một - ông Nguyễn Quang Dũng (Dũng “Digital”), một người say mê âm nhạc và điện ảnh một cách kỳ lạ.
Tình yêu với âm thanh
Gọi Nguyễn Quang Dũng là một người mê mệt vì âm nhạc có lẽ cũng không sai. Nếu chỉ yêu thích thôi thì có lẽ tất cả chúng ta đều có, nhưng dành thời gian, tâm huyết suốt hàng chục năm chỉ để sưu tầm ngày qua ngày hàng nghìn đĩa nhạc và phim kinh điển của nhân loại thì chắc hiếm người đủ kiên nhẫn, say mê để làm được. “Lượng đĩa hát của tôi nếu mỗi ngày bạn đến 2 tiếng để nghe thì phải mất 35 năm mới hết 1 vòng. Đấy là chỉ tính số đĩa âm thanh mua nguyên bản, chất lượng cực kỳ tốt”, ông Dũng chia sẻ.
Dũng “Digital” vốn hoàn toàn ngoại đạo với giới âm nhạc và điện ảnh. Từng là sinh viên và tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, được giữ lại trường làm giảng dạy và nghiên cứu, ông làm chủ nhiệm hai đề tài khoa học cấp Nhà nước và thậm chí được cấp bằng sáng chế quốc gia. Ấy vậy, ông vẫn dành hết đam mê cho nghệ thuật nghe nhìn.
Từ nhỏ, Nguyễn Quang Dũng sống và lớn lên cùng phim. Bố ông là cụ Nguyễn Quang Du, một bác sĩ nhưng lại yêu “xi-nê” từ trong máu. Cụ Du từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phim của sinh viên Hà Nội. Từ mê chuyển sang làm, cụ là tác giả của 22 phim tài liệu, trong đó có hai bộ rất nổi tiếng quay lại Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 và Cuộc duyệt binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ở Quảng trường Ba Đình ngày 1/1/1955. Ngọn lửa đó được con trai là ông Dũng tiếp nhận. “Ra trường, chiến tranh biên giới nổ ra. Tôi cũng là một trí thức, lên đường làm nghĩa vụ theo lời tổng động viên. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi trở về và vẫn ôm ấp giấc mơ cũ khi tìm cách xin vào xưởng phim để học làm âm thanh. Đáng tiếc, mất cả năm theo đuổi vẫn không được nhận...”.
Cơ duyên không thành, ông Dũng bén nghiệp giảng dạy ở Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng vẫn hướng tình cảm cho nghệ thuật. Dũng “Digital” mê cả nhiếp ảnh dù chỉ là nhà nhiếp ảnh nghiệp dư. Dần dà, ông bắt đầu có những tác phẩm được thừa nhận, thậm chí đoạt giải ở nhiều triển lãm quốc tế tại Nhật Bản, Lào, Hà Lan. Giải thưởng ảnh ở Hà Lan đã đem lại cơ hội bước ngoặt khi ông được mời ra nước ngoài lần đầu vào năm 1989. “Sang châu Âu tôi mới hiểu, phim ảnh và âm nhạc ở nước ngoài đã quá phát triển trong khi ở Việt Nam chúng ta gần như là con số không do bị cấm vận”, ông Dũng nhấn mạnh.
Sang châu Âu tôi mới hiểu, phim ảnh và âm nhạc ở nước ngoài đã quá phát triển trong khi ở Việt Nam chúng ta gần như là con số không do bị cấm vận.
Ông Nguyễn Quang Dũng
Từ đó, ông bắt đầu nhen nhóm kế hoạch sưu tầm nhạc và phim ở nước ngoài mang về nước. “Rất may là Đại học Bách khoa Hà Nội có chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học ở Đại học Bách khoa Warsaw (Ba Lan), cho nên tôi đã có cơ hội ở lại châu Âu từ năm 1989 đến 1992. Từng đó thời gian đủ để tôi tìm kiếm, chọn lọc và sưu tầm hàng nghìn đĩa nhạc và phim kinh điển của các tác giả nổi tiếng”, ông Dũng kể. Để thực hiện ước mơ của mình, ông phải kiếm thêm tiền với đủ nghề: Xay bột, chữa máy đến chụp ảnh thuê, thậm chí còn ra các chợ trời ở Đông Âu để bán quần áo... Tất cả chỉ với mục đích có tiền mua được nhiều đĩa nhạc, bản phim chất lượng nhất có thể.
Liên hoan Phim âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam
Say mê của Nguyễn Quang Dũng không chỉ cho riêng mình mà còn khao khát truyền lửa đến người khác. Ông Dũng trở về quê hương để đưa kho tư liệu âm nhạc và phim ảnh sưu tầm bao lâu nay chia sẻ với cộng đồng, thông qua ý tưởng tổ chức một liên hoan phim âm nhạc.
“Tôi gõ cửa thuyết phục Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ lúc bấy giờ, để nhà hát đứng danh nghĩa tổ chức liên hoan phim. UNESCO Việt Nam sau đó cũng ủng hộ; và cuối cùng, Cục Điện ảnh đồng ý cấp phép”, ông Dũng chia sẻ về sự ra đời của Liên hoan Phim âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam. Hiểu chìa khóa thành công của liên hoan phải là sức hút từ âm thanh, vì lẽ đó, trước khi về nước, ông Dũng đã lân la đến các phòng chiếu ở nhiều quốc gia, hỏi từng thợ máy, thậm chí tặng người ta thuốc lá để được lên xem tận mắt các máy chiếu. Sau tìm hiểu, ông quyết định chi tiền mua cảm biến đọc âm thanh nổi để mang về Việt Nam lắp đặt, chuẩn bị sẵn sàng cho liên hoan.
Chiều 26/3/1993, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Cục Điện ảnh, các đạo diễn, nghệ sĩ nổi tiếng, cùng rất đông khán giả trẻ, ông Dũng và ê-kíp trình chiếu siêu phẩm Terminators 2: Judgment Day của đạo diễn lừng danh James Cameron làm sửng sốt khán phòng thời điểm đó. Mọi người ngỡ ngàng khi được nghe những tiếng rơi kim loại, những tiếng súng nổ... chân thật đến không tưởng. 270 chỗ ngồi kín khách trong chương trình được coi là buổi chiếu phim âm thanh nổi đầu tiên ở Việt Nam, cũng là sự kiện “bật công tắc” cho việc đổi mới ngành chiếu bóng cuối thập niên 1990, đầu những năm 2000.
Tối cùng ngày, Liên hoan Phim âm nhạc lần thứ nhất chính thức khai mạc và trình chiếu series 12 phim liên tục trong 12 ngày. Nhà văn, nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh chia sẻ vào thời điểm đó: “Liên hoan đã tạo ra sự ngỡ ngàng với cả người trẻ lẫn lớp tuổi chúng tôi, với người làm nghệ thuật lẫn người không làm nghệ thuật”.
Sự kiện chiếu phim cũng như liên hoan đã mở ra cánh cửa về thẩm mỹ thưởng thức mới của người Việt, là bước tiền đề cho một thời kỳ thịnh vượng sau này của những rạp phim âm thanh nổi đầu tiên, lôi người Việt đến với nghệ thuật màn ảnh rộng. Chương trình kết thúc thành công đến nỗi, tờ The New York Times, báo tin tức hàng đầu nước Mỹ, đã lần đầu có bài viết về một người Việt Nam cùng chuỗi sự kiện văn hóa diễn ra ở một đất nước đang bị chính Chính phủ Mỹ cấm vận.
Truyền lửa đam mê
Tiếp nối thành công, Liên hoan Phim âm nhạc lần thứ hai được tổ chức vào tháng 12/1993 với việc 50 bộ phim âm nhạc nổi tiếng được trình chiếu suốt 2 tháng. Nhà báo Trần Bình Minh, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, bình luận trong phóng sự VKT: “Liên hoan không giống bất kỳ một liên hoan phim âm nhạc nào mà chúng ta vẫn hình dung. Ở đây không có những người dự thi, không có ban giám khảo hay bất kỳ một giải thưởng nào.
Tất cả chỉ là để giới thiệu hơn 50 bộ phim âm nhạc của thế giới, đại diện cho hơn 50 món ăn khác nhau về âm nhạc cổ điển và hiện đại”. Người xem trở thành thực khách của liên hoan âm nhạc mang thương hiệu Nguyễn Quang Dũng, và cũng là những người tiếp tục ủng hộ ông khi rạp chiếu phim Fansland ra đời ngày 1/12/1994, sở hữu dàn âm thanh nổi đầu tiên bên màn ảnh rộng, trở thành ký ức không quên của rất nhiều thanh niên Thủ đô lúc bấy giờ.
Mong muốn sẻ chia tình yêu âm nhạc và điện ảnh đến với bạn bè, cộng đồng vẫn luôn trong tâm trí Nguyễn Quang Dũng, ngay cả khi Fansland “kết thúc sứ mệnh”, đóng cửa vào năm 2008. Từ đó đến nay, Dũng “Digital” miệt mài “chăm sóc” phòng chiếu phim trên gác mái tại nhà riêng. “Hồi còn Fansland, phòng chiếu này dùng để trình chiếu những bộ phim tôi tự tay chọn, mua rồi dịch, làm phụ đề; trước bạn bè, các chuyên gia về điện ảnh rồi mới đưa ra rạp. Fansland dừng nhưng phòng chiếu cá nhân có sức chứa khoảng 15 người vẫn được duy trì thầm lặng suốt hàng chục năm qua”, ông Dũng kể.
Muốn đến xem, người khách chỉ cần xác nhận sẽ đến dự các buổi chiếu theo lịch trên group Zalo do ông Dũng lập ra. Vé là lời hẹn và ông Dũng cũng chỉ cần khách đúng hẹn đến xem phim là đủ vui rồi.
Trong khi đó, hằng ngày, ông chủ rạp vẫn mải mê chọn phim, nỗ lực gia công ngôn ngữ làm phụ đề, để phục vụ chuyên nghiệp nhất có thể trước những khán giả đều là bậc “lão thành” trong nghề như vợ chồng hai Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thanh Vân và Phạm Nhuệ Giang, Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh...
Ông Dũng luôn tích cực theo dõi tình hình âm nhạc và điện ảnh hàn lâm trên thế giới để cập nhật phim mới, đáng chú ý. Hệ thống loa trong phòng chiếu gác mái cũng được cải tiến liên tục bởi cứ vài năm, thế giới có công nghệ âm thanh mới, ông Dũng sẽ lại nghiên cứu và thay thế. “Cách đây 5 năm, công nghệ âm thanh DTS HD là nhất, nhưng bây giờ phải là Dolby Atmos”, Dũng “Digital” hào hứng nói.
Và nếu tận hưởng hệ thống âm thanh Dolby Atmos có 24 đường tiếng, thì ông Dũng phải mua bản đĩa nguyên bản chất lượng Master Blu-ray thì mới có thể trình chiếu. Nguồn phim của ông có thể từ cô con gái học ở Mỹ trực tiếp mua, hay bạn bè sưu tầm chia sẻ hoặc đích thân ông tự đặt hàng trên Amazon, giá trung bình 20-30 USD/đĩa.
“Không ít bạn trẻ hiện nay bị mạng xã hội chi phối quá nhiều vào thói quen và cuộc sống. Họ bị rối loạn về cách thưởng thức nghệ thuật đích thực, làm mất đi một phần đáng kể của thẩm mĩ nghệ thuật. Đến phòng chiếu, chúng ta sẽ được xem phim, nghe phim một cách chậm rãi, dành cả trái tim để cảm nhận”, ông Dũng nhấn mạnh.
Không ít bạn trẻ hiện nay bị mạng xã hội chi phối quá nhiều vào thói quen và cuộc sống. Họ bị rối loạn về cách thưởng thức nghệ thuật đích thực, làm mất đi một phần đáng kể của thẩm mĩ nghệ thuật. Đến phòng chiếu, chúng ta sẽ được xem phim, nghe phim một cách chậm rãi, dành cả trái tim để cảm nhận.
Ông Nguyễn Quang Dũng
Trên nhóm Zalo, khổ tâm nhất của Dũng “Digital” là phải soạn những dòng từ chối người đăng ký vì đã hết ghế. Ông cũng buồn ra mặt khi có ai đó không thể xem hết một bộ phim. Nhưng dù sao đi nữa, tình yêu và cuộc sống gắn liền với âm nhạc và phim ảnh vẫn tiếp tục song hành cùng Nguyễn Quang Dũng, giản dị nhưng sâu sắc như chất giọng ấm áp của chính ông vang lên lúc 11 giờ tối thứ bảy hằng tuần trên kênh VOV giao thông: “Mở đầu chương trình Greatest Hits -Những ca khúc nổi tiếng hôm nay, Quang Dũng và các bạn cùng nghe nữ ca sĩ Canada Celine Dion và nam ca sĩ người Mỹ Peabo Bryson thể hiện ca khúc trong phim hoạt hình của Disney Beauty and The Beasts...”.